“Năm 2022 có thể được coi là một năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam (VN) được phép tiếp cận các thị trường thế giới”. Đó là đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT khi nhìn lại quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nông sản VN ra “biển lớn”.
Bưởi, chanh, sầu riêng, khoai lang… ra thế giới
Ngày 28-11, những lô bưởi đầu tiên từ Bến Tre bắt đầu lên đường sang Mỹ. Đây là kết quả nỗ lực đàm phán suốt sáu năm của các cơ quan chuyên môn hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất, xuất khẩu bưởi VN. Như vậy, đến nay bưởi là loại trái cây thứ bảy của VN được phép nhập khẩu vào Mỹ, sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.
“Sự kiện xuất khẩu chính ngạch những lô bưởi đầu tiên của VN sang Mỹ là niềm vui không chỉ của người trồng bưởi Bến Tre, mà còn là niềm vui chung của người dân trồng bưởi trên cả nước. Nó giúp doanh nghiệp và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
|
Sau bảy năm đàm phán, lô bưởi da xanh đầu tiên của Bến Tre vừa xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: HT |
Nhưng đây không phải là niềm vui duy nhất và đầu tiên của ngành hàng trái cây VN trong năm nay. Đầu tiên phải kể đến trái chanh dây được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc (TQ) từ ngày 1-7. Sau đó, sầu riêng và chuối của VN tiếp tục được phép nhập khẩu chính ngạch vào TQ thông qua ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước. Và mới đây, VN và TQ tiếp tục ký kết nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với khoai lang của VN nhập khẩu vào TQ.
Không chỉ thị trường TQ, trái chanh và bưởi của VN cũng được phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand sau khi điều kiện nhập khẩu được hai bên ký kết vào ngày 15-11. Gần nhất, ngày 18-11, phía Nhật Bản cũng đã công bố cho phép quả nhãn tươi của VN được phép nhập khẩu vào thị trường khó tính này.
Hướng đến nền nông nghiệp chuyên nghiệp, bài bản
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung nhận định: Việc mở cửa được thị trường, ký kết các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo điều kiện pháp lý rõ ràng, minh bạch và cũng tạo động lực cho nông dân VN sản xuất chuyên nghiệp, bài bản với quy mô lớn hơn.
Tuy nhiên, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng những lợi thế trên chỉ được phát huy hiệu quả khi các sản phẩm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt quan trọng là sản phẩm trồng phải truy xuất được nguồn gốc, từ quản lý giám sát vùng trồng với các sản phẩm đầu vào, đầu ra; quản lý cơ sở đóng gói, biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật cho đến kiểm dịch tại cửa khẩu nhập.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, thông tin thêm thời gian tới, để thúc đẩy và tạo động lực cho việc xuất khẩu các sản phẩm mới, hoàn thành mở cửa thị trường, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các sự kiện xuất khẩu lô hàng đầu tiên đối với các sản phẩm trên.
“Chúng tôi sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương và các bên liên quan những quy định của TQ, New Zealand, Nhật Bản… về các yêu cầu nhập khẩu đối với khoai lang, chanh, bưởi và nhãn” - ông Trung cho hay.
Cần mở cửa thêm cho nhiều loại nông sản Việt
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, nhìn nhận thời điểm đầu năm, xuất khẩu rau quả vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vì thị trường lớn nhất của ngành là TQ siết chặt phòng dịch COVID-19 dẫn đến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm 30%-35%. Mặc dù xuất khẩu sang các thị trường khác tăng nhưng vẫn không bù được lượng sụt giảm từ thị trường TQ, vốn chiếm 50%-55% thị phần xuất khẩu.
Thế nhưng những tháng sau đó, khi nhiều loại trái cây được mở cửa thị trường mới, tăng trưởng xuất khẩu của ngành rau quả đã hồi phục.
“Ví dụ sau khi VN - TQ ký nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng, đến nay số lượng sầu riêng xuất sang TQ lên hơn 20.000 tấn. Lượng sầu riêng xuất khẩu này đã góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 10, 11 tăng lên” - ông Nguyên cho hay.
Các công ty trong ngành cũng cho biết sau khi có thêm thị trường mới, giá một số loại trái cây, đặc biệt là sầu riêng đã tăng cao hơn so với trước, người dân và doanh nghiệp đều rất vui. Đáng chú ý, người tiêu dùng TQ rất thích sầu riêng VN, dù giá bán cao hơn hàng Thái Lan nhưng vẫn được người dân mua hết sạch, không đủ hàng để bán.
“Tuy nhiên với sầu riêng, chúng ta mới được phía TQ cấp 51 mã vùng trồng và 25 mã cơ sở đóng gói. Số lượng mã được cấp còn ít nên lượng hàng xuất sang chưa nhiều. Trong khi đó với Thái Lan, riêng mã cơ sở đóng gói đã được phía TQ cấp gần 600 mã. Vì vậy chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục tăng cường trao đổi, đàm phán với phía TQ để được cấp nhiều mã số xuất khẩu hơn nữa” - một công ty xuất khẩu trái cây cho hay.
Cùng với đó, hiện TQ đã mở cửa nhập khẩu với hơn 20 loại trái cây nông sản của Thái Lan, trong khi với VN mới chỉ có 12 loại. Vì vậy, Hiệp hội Rau quả VN cùng các doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục đàm phán để phía TQ và các nước mở cửa thêm cho nhiều loại trái cây, nông sản khác của VN.
Tổ yến, thịt gà chính thức xuất ngoại
Sau gần năm năm nỗ lực trao đổi, đàm phán, nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với tổ yến xuất khẩu từ VN sang TQ đã được ký giữa Bộ NN&PTNT VN và Tổng cục Hải quan TQ. Nghị định thư có hiệu lực từ ngày 9-11-2022, là điều kiện quan trọng để sản phẩm tổ yến của VN có đầu ra bền vững tại thị trường TQ.
Cùng với đó, ngày 25-10, lô thịt gà chế biến đầu tiên của VN với số lượng 33,6 tấn cũng đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Để xuất khẩu được thịt gà chế biến vào thị trường khó tính này, VN phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt gà theo chuỗi; đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc.
Rau quả VN mang về 3,1 tỉ USD
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả VN, tới tháng 11 ước tính kim ngạch xuất khẩu rau quả của VN đạt 3,1 tỉ USD. Hết tháng 12, ước tính kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,4 tỉ USD, xấp xỉ hoặc chỉ giảm nhẹ so với năm ngoái.
Dự báo năm 2023, với tình hình nhiều mặt hàng mới được mở cửa thì kim ngạch rau quả của VN sẽ tăng cao 20%-30% so với năm nay.