Tỉnh Bình Thuận sẽ phát động đợt thi đua để đạt 95% giải ngân vốn đầu tư công

(PLO)- Kinh tế tỉnh Bình Thuận tăng trưởng ổn định nhưng giải ngân vốn đầu tư công còn rất chậm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

tỉnh Bình Thuận
Du lịch tỉnh Bình Thuận tăng trưởng cao. Ảnh PN.

Theo đó, kinh tế của tỉnh Bình Thuận tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 7,1% so với cùng kỳ, đứng vị trí thứ 21/63 tỉnh, thành phố cả nước và đứng thứ 06/14 tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.

Trong 6 tháng đầu năm ngành du lịch đón 4,59 triệu lượt khách, đạt 48,01% kế hoạch, tăng 5,01% so cùng kỳ; doanh thu hoạt động du lịch 11.832 tỷ đồng, đạt 46,4% kế hoạch.

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 423,9 triệu USD, đạt 41,92% kế hoạch, tăng 4,78%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng ước đạt 53.452 tỷ đồng, đạt 50,03% kế hoạch, tăng 16%.

Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 ước 5.634 tỷ đồng, đạt 56,34% dự toán năm, tăng 1,11% so cùng kỳ.

tinh-binh-thuan (1).jpg
Một đoạn đường 719B đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh PN.

Xác định công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê bình các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 đạt thấp và tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 nhằm đạt mục tiêu trên 95% kế hoạch vốn được giao.

Tuy nhiên đến ngày 20-6-2024 chỉ mới giải ngân hơn 730 tỷ đồng, đạt 14,43% kế hoạch.

Trong khuôn khổ Lễ công bố Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2.100 tỷ đồng; trao bảng ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 127.000 tỷ đồng trên nhiều lĩnh vực.

tinh-binh-thuan (5).jpg
Du khách đến với tỉnh Bình Thuận ngày càng tăng.

Bên cạnh các kết quả đạt được, một số lĩnh vực vẫn còn tồn tại, hạn chế đó là: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm còn thấp so với mục tiêu tăng trưởng. Tiến độ thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng của các dự án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là tại một số công trình trọng điểm.

Chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn thấp; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 27,9% so cùng kỳ. Thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, trong đó thu từ đất tiếp tục giảm sâu.

Các vướng mắc, bất cập trong việc xác định giá đất, công tác bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ, bố trí tái định cư, giao đất, cho thuê đất chậm được tháo gỡ, dẫn đến nhiều công trình, dự án không hoàn thành được thủ tục về đất đai nên không triển khai được các công việc tiếp theo, làm giảm nguồn thu ngân sách địa phương.

Lĩnh vực bất động sản phát triển chưa thực sự vững chắc. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, trật tự đô thị còn có mặt yếu kém; tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ khoáng sản trái phép, lấn chiếm đất công, đất dự án, xây dựng trái phép, không phép vẫn còn diễn biến phức tạp…

tinh-binh-thuan (8).jpg
Đường nối với cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây xuống biển Tiến Thành. Ảnh PN.

Theo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, sẽ phát động phong trào đợt thi đua nước rút 6 tháng cuối năm để hoàn thành đạt 95% giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Chủ động rà soát, xác định thứ tự ưu tiên, mức độ cấp thiết để lập danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2026 - 2030; đồng thời, xác định vị trí, lập phương án chuẩn bị đầu tư các dự án tái định cư để phục vụ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, tạo ra đột phá cho tỉnh Bình Thuận như: Cảng hàng không Phan Thiết, đường ĐT.719 (đoạn Kê Gà - Tân Thiện), đường ĐT.719B (đoạn Phan Thiết - Kê Gà), đường ĐT.719B (đoạn Hòn Lan - Tân Hải), kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm), công viên Hùng Vương, khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Phú Quý (Giai đoạn 2), hồ chứa nước Ka Pét, chung cư sông Cà Ty,…

“Tiếp tục duy trì định kỳ công tác đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã đăng ký sau hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh. Đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, chậm triển khai để mời các nhà đầu tư khác có năng lực, tâm huyết vào đầu tư, không để lãng phí đất đai…”, báo cáo nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm