Tinh gọn Bộ Công Thương: Có sợ đụng con ông cháu cha?

Bộ Công Thương đang hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương để trình Thủ tướng. Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là bộ máy tổ chức của Bộ Công Thương sẽ có nhiều thay đổi đáng kể thông qua việc chia tách, hợp nhất, sáp nhập một số đơn vị của Bộ. Nếu được Thủ tướng chấp thuận, dự kiến nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ cuối tháng 12-2016.

Bớt 7 đơn vị

Theo dự thảo, cơ cấu bộ máy Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ giảm từ 35 đơn vị xuống còn 28 đơn vị. Phương án chia tách, hợp nhất các đơn vị cho nhiệm kỳ 2016-2020 cũng đã được Bộ Công Thương lên kế hoạch cụ thể.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo Bộ Công Thương (đề nghị không nêu tên) cho biết mục đích của việc tái cơ cấu bộ máy là nhằm tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Thủ tướng. Sau khi Chính phủ ban hành chính thức nghị định trên, Bộ sẽ sắp xếp lại nhân sự theo tổ chức bộ máy mới và hoàn thành ngay trong đầu quý I-2017. Bộ Công Thương cũng dự kiến một số phương án sắp xếp lại đội ngũ lãnh đạo các cục, vụ, viện thuộc danh sách sáp nhập, căn cứ vào các tiêu chí như chức vụ lãnh đạo, ngạch công chức, trình độ đào tạo, kinh nghiệm công tác, độ tuổi... Theo đó, các vị này vẫn được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo trong các vụ, cục hiện còn thiếu lãnh đạo, lãnh đạo đến tuổi nghỉ hưu hoặc các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thiếu cấp phó. Họ cũng có thể được cử làm tham tán thương mại ở nước ngoài hoặc điều đến các doanh nghiệp trực thuộc Bộ.

Lãnh đạo Bộ cũng sẽ rà soát những lao động dôi dư. Các trường hợp có năng lực, trình độ yếu kém, sức khỏe không đảm bảo sẽ được cho nghỉ việc. Bộ Nội vụ cũng đã giao chỉ tiêu năm 2017 Bộ Công Thương phải giảm khoảng 1,5% biên chế so với năm 2016 (biên chế hiện nay của Bộ là khoảng 800 người - PV).

“Việc sắp xếp lại cơ cấu Bộ Công Thương sẽ giúp bộ máy bớt cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng” - vị lãnh đạo này cho hay.

Việc tái cơ cấu bộ máy Bộ Công Thương theo hướng tinh gọn trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cụ thể là sự cắt giảm nhân sự, chuyển đổi vị trí lãnh đạo. Trong ảnh: Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: VGP/NHẬT BẮC

Sáp nhập không phải là cộng gộp cơ học

Là người từng trải qua nhiều vị trí công tác trong thời kỳ trước và sau khi sáp nhập Bộ Công Thương, một nguyên lãnh đạo Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương đánh giá việc thu gọn bộ máy tổ chức ở các bộ, ngành là xu hướng chung, là sự đổi mới cần khuyến khích.

“Bộ Công Thương đã có 10 năm hoạt động sau khi sáp nhập hai bộ Công nghiệp và Thương mại. Trong quá trình sáp nhập ấy đã có nhiều đơn vị được hình thành, dẫn tới bộ máy ngày càng phình to. Công tác quản lý cũng bộc lộ những thiếu sót, hạn chế ngay trong nội bộ. Do đó, đã tới lúc cần có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp” - vị này cho hay.

Ông cũng đánh giá việc tái cơ cấu bộ máy lần này của Bộ Công Thương phải được tiến hành khác với thời kỳ sáp nhập 10 năm trước. Việc sáp nhập giữa Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại trước kia mang tính cộng bộ máy theo số học, từ hai cơ quan xa lạ trở thành chung một mái nhà. Nhưng nay không thể làm theo kiểu cộng dồn nhân sự cơ học mà phải có sự tuyển chọn kỹ càng.

“Việc tái cơ cấu bộ máy theo hướng tinh gọn trong thời gian tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đó không còn là một cuộc sáp nhập cơ học như trước đây mà sẽ là sự cắt giảm nhân sự, chuyển đổi vị trí lãnh đạo. Việc chọn ai, chuyển ai, bỏ ai sẽ là vấn đề không dễ cho người đứng đầu Bộ. Bối cảnh bây giờ khác với 10 năm trước, sự thay đổi này sẽ là tiền đề để Bộ thay đổi về chất trong quản lý” - vị này chia sẻ.

Cũng theo ông, điều khó khăn nhất cho người đứng đầu Bộ Công Thương trong lần tái cơ cấu sắp tới chính là sự đồng thuận của cán bộ quản lý cấp dưới cũng như phương án điều chuyển lãnh đạo có hợp lý hay không. “Trở ngại lớn nhất là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có đủ dũng khí, không ngại đụng chạm để đưa ra những quyết định cắt giảm nhân sự yếu kém, kể cả khi những người đó là con ông cháu cha không? Nếu không giải quyết được vấn đề này, việc tái cơ cấu khó đạt hiệu quả vì sẽ dẫn tới tình trạng cộng gộp cơ học bộ máy, nội bộ bất hòa”.

Theo dự thảo, Tổng cục Năng lượng sẽ bị xóa tên và tách thành Vụ Dầu khí và than, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo. Cục Điều tiết điện lực sẽ được đổi tên thành Cơ quan điều tiết điện lực quốc gia. Cục Quản lý cạnh tranh sẽ được đổi tên thành Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời tách và nâng Phòng Phòng vệ thương mại của Cục Quản lý cạnh tranh lên Cục Phòng vệ thương mại. Cục Quản lý thị trường sẽ được nâng lên thành Tổng cục Quản lý thị trường. Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ Công nghiệp nặng hợp nhất thành Cục Công nghiệp;…

_____________________________________

Điều tôi mong đợi nhất là Bộ Công Thương nhiệm kỳ này có một bộ máy hợp lý, gọn nhẹ, hiệu quả; khắc phục được khiếm khuyết trong giai đoạn 10 năm qua cũng như đón bắt, tiên đoán được tình hình mới, xu thế phát triển mới trong từng lĩnh vực do Bộ phụ trách.

Một nguyên lãnh đạo Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp thuộc Bộ Công Thương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm