Ngày 14-11, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng.
Bổ nhiệm lái xe đi làm tham tán?
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu Bộ Công Thương phải làm tốt công tác cơ cấu tổ chức, bộ máy và công tác cán bộ.
“Nếu có việc cử một đồng chí lái xe sang làm công tác tham tán thương mại thì phải xem xét kỹ lại. Chúng ta không thể bố trí một vị trí quan trọng như thế. Sang đó làm việc riêng hơn là làm việc chung thì không ổn…” - ông Dũng lưu ý.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu: “Tôi khẳng định đến nay Bộ đang làm rất quyết liệt, đi đầu trong công tác tổ chức cán bộ, kèm theo cải cách hành chính. Bộ Công Thương chưa có chuyện bổ nhiệm lái xe làm tham tán thương mại. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ đổi mới hàng loạt quy hoạch cán bộ. Quan điểm của chúng tôi là sai ở đâu sửa ở đó và không chỉ dừng ở kiểm điểm”. Theo ông, Bộ Công Thương luôn xem những khuyết điểm trong bổ nhiệm cán bộ thời gian qua là bài học sâu sắc và đã nghiêm túc kiểm điểm trong ban cán sự, lãnh đạo Bộ cũng như rà soát đánh giá lại quy trình bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, Bộ cũng mong dư luận đừng cho rằng Bộ Công Thương trở thành một bộ quan liêu, cồng kềnh, phức tạp, làm việc không hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu thực tế có một số thông tin đánh giá Bộ Công Thương buông lỏng trong tổ chức, quản lý cán bộ nhưng đó chỉ là một vài trường hợp, không phải cả hệ thống.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng , Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ phát biểu. Ảnh: TTXVN
Thận trọng thoái vốn Habeco, Sabeco
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như đại diện Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng đã chia sẻ một số thông tin về tiến trình thoái vốn. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định “Nhà nước không bán bia” nhưng công tác thoái vốn phải đảm bảo không mất vốn nhà nước. “Tôi khẳng định không có lợi ích nhóm trong chuyện này và cũng không được chủ quan và phải làm thế nào để vừa bán được giá cao nhất mà không mất thương hiệu. Làm sao báo cáo để Thủ tướng và Chính phủ quyết định chính xác, đúng đắn” - Bộ trưởng cho biết.
Còn ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), chia sẻ: “Thủ tướng yêu cầu thoái toàn bộ hơn 81% vốn tại Habeco cũng như hơn 53% vốn tại Sabeco trước ngày 31-12-2016. Tuy nhiên, việc thoái vốn phải đảm bảo công khai, minh bạch, theo quy luật thị trường nhưng quá trình thực hiện rất mất thời gian”.
Đấu thầu công khai chọn tư vấn thoái vốn Trao đổi bên lề với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Sabeco, cho biết Sabeco là doanh nghiệp có vốn nhà nước rất lớn, doanh thu và lãi lớn nên việc chọn phương án thoái vốn thế nào cho hiệu quả là câu chuyện cần bước đi thận trọng. Chín tháng đầu năm 2016 Sabeco đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm, lợi nhuận tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015. “Trên cơ sở tình hình kinh doanh thuận lợi, ngày 4-11, Sabeco đã hoàn thành nộp tất cả hồ sơ niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM. Dự kiến cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, mọi việc sẽ được triển khai” - ông Hà chia sẻ. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại quan điểm của Chính phủ là Chính phủ không đi bán bia, bán sữa. “Những gì Nhà nước cần làm phải làm, cái gì doanh nghiệp tư nhân làm được thì tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp làm. Phải quyết tâm thực hiện lộ trình thoái vốn càng sớm càng tốt, đây là chủ trương lớn, làm tốt để đạt mục tiêu sớm. Thủ tướng nói dứt khoát năm nay các doanh nghiệp như Sabeco, Habeco phải lên sàn, tất nhiên liên quan nhiều thủ tục khác nhưng làm sao rút ngắn lại” - ông Dũng nhất quán quan điểm. |