Tính lại việc CSGT chặn đầu xe vi phạm trên cao tốc

Theo đó, tổ công tác của Đội 2, Phòng 8 (Cục CSGT, Bộ Công an) phát hiện ô tô hiệu Lexus do tài xế NVH điều khiển có dấu hiệu chạy quá tốc độ nên ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Nhưng trong lúc tài xế H. xuống xe xuất trình giấy tờ thì một xe tải từ phía sau đã tông trúng chiếc Lexus khiến anh H. tử vong và một chiến sĩ CSGT bị thương...

Cũng liên quan đến hành vi của người thi hành công vụ, hẳn chúng ta còn nhớ vụ tai nạn nghiêm trọng vào chiều 18-3 khi xe cứu hỏa chạy ngược chiều trên cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ bị một xe khách đang lưu thông xuôi chiều tông thẳng. Vụ tai nạn này để lại hậu quả lớn khi một cảnh sát PCCC tử vong và nhiều người khác bị thương.

Có một điểm chung giữa hai vụ tai nạn trên là khi xử lý trách nhiệm khó xác định lỗi phải và xử lý kiểu gì cũng khiến dư luận băn khoăn vì hành vi thực thi công vụ khá nhạy cảm.

Đành rằng Điều 8 Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ (gồm cả đường cao tốc) của CSGT, cho phép lực lượng này được dừng xe ở một số vị trí và tình huống. Tuy nhiên, bất kể có theo nguyên tắc an toàn nào đi nữa thì cũng không đủ an toàn trong tất cả tình huống vì trên đường cao tốc các xe chạy với tốc độ rất nhanh.

Điều quan trọng hơn, bản thân quy định trên lại mâu thuẫn với Luật Giao thông đường bộ 2008 bởi việc dừng xe trên cao tốc trái với quy định về tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu, khoảng cách giữa hai xe (theo Điều 12). Chưa kể việc dừng xe của CSGT khiến các phương tiện phải dừng lại đột ngột có thể gây tai nạn cho chính người đang điều khiển xe vì đang đi với tốc độ cao.

Trong vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng cần khởi tố vụ án hình sự để điều tra, kết luận nguyên nhân vụ tai nạn cũng như lỗi của các bên. Cạnh đó là tìm ra những sơ hở, thiếu sót trong các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời chỉnh sửa nhằm bảo đảm an toàn giao thông. Ngoài ra cũng cần tính lại các quy định liên quan đến quyền của các xe ưu tiên lưu thông trên đường cao tốc, như vụ tai nạn đã từng xảy ra.

Thời gian tới chắc chắn sẽ còn nhiều tuyến đường cao tốc được xây mới, bởi đây là xu hướng tất yếu của phát triển giao thông hiện đại. Các tuyến cao tốc hiện nay đều cho phép các phương tiện chạy với tốc độ tối đa lên tới 100-120 km/giờ. Vấn đề là làm sao vừa đảm bảo an toàn trên đường cao tốc lại vừa giúp những người thực thi công vụ quản lý, vận hành tốt các quy định pháp luật về tốc độ và quyền ưu tiên.

Thực tế cho thấy tại các tuyến cao tốc hiện nay đều có gắn nhiều camera để giám sát việc chấp hành quy định pháp luật của lái xe. Các lỗi thường gặp như chạy quá tốc độ cho phép, vi phạm hiệu lệnh biển báo hiệu tín hiệu và chấp hành quy định về làn, lề đường của tài xế đều được ghi nhận cụ thể. Vì vậy, có lẽ không cần cho phép lực lượng CSGT được phép dừng xe ở một số tình huống như Thông tư 01/2016 của Bộ Công an. Chỉ cần quản lý tốt hệ thống giám sát để áp dụng biện pháp xử lý qua hình ảnh, phạt nguội.

Camera cũng là cách có thể áp dụng xử phạt nóng các vi phạm của các tài xế khi đã rời khỏi đường cao tốc, tại các vị trí như sau trạm thu phí, đường dẫn. Lúc này tốc độ của các phương tiện bị giảm tối đa, vừa đảm bảo xử lý kịp thời các vi phạm, vừa đảm bảo an toàn giao thông tránh những tai nạn đáng tiếc. Cách này cũng đảm bảo an toàn về tính mạng cho chính những CSGT làm nhiệm vụ và hạn chế được tiêu cực trong quá trình xử phạt các lỗi vi phạm.

Nhìn ra thế giới thấy rằng ở Anh, Mỹ, Singapore hay các nước châu Âu, khi phát hiện tài xế vi phạm trên cao tốc, CSGT sẽ bám theo xe vi phạm từ phía sau. Lúc này CSGT sẽ ra tín hiệu nháy đèn, còi hiệu để yêu cầu dừng xe, tài xế phải nháy đèn khẩn cấp để báo hiệu đã nhận được tín hiệu bị bắt lỗi vi phạm và đang tìm cách dừng xe. Nơi dừng xe thường là trạm dừng chân, cây xăng hay các nút ra vào trên đường cao tốc, phải đảm bảo an toàn cho bản thân, CSGT và các phương tiện khác. Nếu chưa thấy chỗ đậu xe đủ an toàn thì xe của CSGT và xe vi phạm tiếp tục chạy cho đến khi tìm được vị trí thích hợp. Khi dừng lại, hai xe đều phát tín hiệu để các xe khác thấy, tài xế vi phạm có thể ngồi trong xe làm việc với CSGT…

Áp với điều kiện hiện nay, ngoài cách phạt nguội như trên, chúng ta cũng có thể áp dụng biện pháp này. Có thể tùy điều kiện hoàn cảnh để áp dụng sao cho phù hợp việc đuổi theo xe vi phạm kết hợp với phạt nguội. Tuy nhiên, không nên tiếp diễn việc CSGT tiến ra giữa đường đứng chặn đầu xe vi phạm, buộc phải dừng đột ngột để rồi chính nó là nguyên nhân gây ra những tai nạn kinh hoàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm