Trong những ngày qua, thế giới đã vô cùng đau xót khi biết tin về vụ thảm sát kinh hoàng tại trường tiểu học Robb ở thị trấn Uvalde, bang Texas, Mỹ, khiến 19 trẻ em cùng 2 giáo viên thiệt mạng. Sự việc đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và phản đối từ khắp nơi trên thế giới về vấn đề liên quan quyền sở hữu súng của công dân. Không riêng Mỹ, các vụ bạo lực súng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Bạo lực súng len lỏi khắp mọi nơi
Tại Mỹ, bạo lực súng đã gây ra nỗi kinh hoàng cho người dân. Sự việc gần đây nhất liên quan đến thanh niên 18 tuổi tên Salvador Ramos. Hung thủ đã xông vào trường tiểu học Robb ở thị trấn Uvalde, bang Texas (Mỹ), xả súng hàng loạt và giết chết 19 học sinh lớp 4 cùng 2 giáo viên. Ramos đã bắn bị thương bà của mình và cảnh báo sẽ tấn công trường học vài phút trước khi gây án, theo hãng tin Reuters.
Khoảng 10 ngày trước đó, một vụ xả súng khác tại siêu thị Tops ở TP Buffalo, bang New York nước này cũng đã cướp đi sinh mạng của 10 người dân địa phương. Nghi phạm 18 tuổi, người da trắng, đã vừa tấn công người dân chủ yếu là người da màu, vừa livestream cảnh mình giết người. Giới chức địa phương cho biết nguyên nhân hung thủ gây án là “do thù hận, có động cơ chủng tộc”.
Lực lượng chức năng tập trung bên ngoài trường tiểu học Robb (bang Texas, Mỹ) sau vụ xả súng kinh hoàng hôm 24-5. Ảnh: AFP |
Quốc gia láng giềng Canada cũng chứng kiến nhiều vụ xả súng trong những năm qua. Theo hãng tin Reuters, vào tháng 7-2018, một tay súng đã bất ngờ bắn vào các nhà hàng gần hai đại lộ Danforth và Logan tại TP Toronto - TP lớn nhất Canada, khiến 2 người chết và 13 người bị thương. Hung thủ tự sát ngay sau đó.
Theo tờ The Canadian Press, Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) cho biết tổng cộng 22 người đã thiệt mạng trong vụ xả súng ngày 18-4-2020 ở thị trấn ven biển Portapique, cách thủ phủ Halifax của tỉnh Nova Scotia 130 km về phía bắc. Theo RCMP, hung thủ là người đàn ông tên Gabriel Wortman, 51 tuổi, đã cải trang thành cảnh sát và xả súng ở nhiều địa điểm trong khu vực.
Theo tờ The New York Times, tại Anh, vào năm 1987, một người đàn ông 27 tuổi, sống ở thị trấn Hungerford (sau được lấy làm tên gọi vụ thảm sát này), đã sử dụng hai khẩu súng trường bán tự động và một khẩu súng ngắn mà hắn ta sở hữu hợp pháp để giết 16 người. Động cơ gây án của hung thủ đến nay vẫn chưa được làm rõ. Đến năm 1996, tại một thị trấn nhỏ ở Scottland, một người đàn ông địa phương cũng đã dùng súng và sát hại 16 học sinh và 1 giáo viên.
Úc cũng là nước vô cùng đau đầu với bạo lực súng đạn. Nhiều người dân nước này từng ủng hộ văn hóa sử dụng súng và nhiều đảng phái cũng đồng tình với quan điểm trên. Điều này dẫn đến vụ án năm 1996, một tay súng đã giết chết 35 người tại thị trấn Port Arthur, bang Tasmania. Sự việc đã khiến chính phủ Úc xem xét lại quyền sử dụng súng của dân chúng và thúc đẩy những thay đổi sâu rộng.
Năm 2011, Na Uy chứng kiến vụ tấn công khủng bố bằng súng khiến 77 người thiệt mạng. Năm 2019, một phần tử cực đoan đã xả súng tại hai nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand khiến đến 50 người thiệt mạng.
Các nước hành động ra sao?
Theo The New York Times, để ngăn chặn bạo lực súng đạn, nhiều nước đã áp đặt các hạn chế về sở hữu súng một cách nghiêm ngặt.
Sau nhiều vụ xả súng trong nước cũng như ngay sau vụ thảm sát Hungerfor, chính phủ Anh đã nhanh chóng ban hành cấm các loại súng trường giống như những loại mà tên hung thủ vụ thảm sát Hungerford sử dụng, và bắt buộc các chủ sở hữu súng ngắn phải đăng ký với cảnh sát. Nhiều năm sau đó, Công đảng Anh lên cầm quyền và ra lệnh cấm tất cả các loại súng ngắn.
Các cải cách cũng yêu cầu chủ sở hữu súng phải vượt qua một quy trình cấp phép nghiêm ngặt, bao gồm các cuộc phỏng vấn và thăm nhà của cảnh sát địa phương. Các yêu cầu sở hữu có thể bị từ chối phê duyệt nếu phía cảnh sát địa phương nhận thấy người muốn sở hữu có nguy cơ đe dọa an toàn công cộng.
Kể từ khi cải cách chính sách, theo The New York Times, tuy các vụ xả súng hàng loạt ở Anh không biến mất hoàn toàn, nhưng nạn bạo lực súng đã giảm đáng kể. Tỉ lệ sở hữu súng ở Anh hiện nay ở khoảng 5 khẩu súng/100 người, một trong những tỉ lệ thấp nhất ở các nước phát triển. Tỉ lệ giết người bằng súng ở Anh cũng nằm trong nhóm thấp nhất, khoảng 0,7 phần triệu.
Để giải quyết bạo lực súng, chính quyền Úc đã thực hiện chương trình mua lại súng từ người dân trên khắp đất nước vào những năm 1996. Việc mua lại súng trên toàn quốc cuối cùng đã giúp giảm khoảng 20-30% số súng sở hữu cá nhân vào thời điểm đó, chủ yếu nhắm mục tiêu vào các loại như súng trường bán tự động và nhiều loại súng ngắn - vốn bị cấm theo luật mới.
Quốc gia này cũng khiến quyền sở hữu vốn có của công dân Úc thành một loại đặc quyền mà công dân phải tìm cách đạt được. Theo đó, muốn sở hữu súng, người dân phải nộp đơn tại cơ quan đăng ký quốc gia. Thời gian chờ cho quy trình này 28 ngày và quy trình cấp phép yêu cầu người muốn sở hữu phải nêu ra được lý do chính đáng cho việc sở hữu.
Một cuộc khảo sát năm 2011 về dữ liệu tội phạm và tự tử đã kết luận rằng chương trình mua lại súng của chính quyền Canberra "dường như đã thành công ngoài sức tưởng tượng vì đã cứu sống được rất nhiều người".
“Gần như toàn bộ người Úc đều nhận thấy rằng đất nước của họ ngày nay an toàn hơn nhờ kiểm soát súng đạn” - cựu Thủ tướng Úc - ông John Howard cho biết năm 2013.
Không chỉ ở phương Tây, các chính phủ châu Á cũng có những biện pháp kiểm soát súng trong nước. Theo tờ Bloomberg, các nước Đông Nam Á áp đặt các lệnh kiểm soát súng nghiêm ngặt mặc dù đây là trung tâm buôn lậu và buôn bán vũ khí xuyên biên giới. Campuchia có lệnh cấm sử dụng vũ khí, trong khi đó, Indonesia, Malaysia, Singapore có thể áp dụng mức án tử hình đối với các cá nhân có tội danh liên quan đến súng.
Ông Max Fisher - tay bút kỳ cựu của The New York Times - nhận định rằng điểm chung của các quốc gia có nhiều vụ bạo lực súng là tỉ lệ sở hữu súng của người dân rất cao, hoặc có ít biện pháp hạn chế súng đạn, hoặc cả hai. Trong khi đó, ở hầu hết các nước có tỉ lệ sở hữu súng thấp, hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế vũ khí này từ sớm, các vụ xả súng hàng loạt cũng ít hơn nhiều.