TNGT: Người đi đau một, người ở khổ mười!

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, trung bình mỗi ngày có 25 người chết vì tai nạn giao thông (TNGT). Chỉ vì chút bất cẩn của những người cầm lái mà mỗi ngày có hàng chục gia đình nát tan, những bữa cơm gia đình mãi mãi thiếu vắng hơi ấm người cha, người mẹ hoặc đứa con thân thương…

Mất trụ cột, gia đình lao đao

Ngôi nhà vách tôn lụp xụp của vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh, ngụ hẻm 194 đường Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM vắng lặng hẳn kể từ khi anh Nguyễn Tống Thanh Tuấn vĩnh viễn ra đi vì TNGT vào một buổi chiều tháng 4-2014. Hôm đó, anh Tuấn đang chở vợ đi trên đường Nguyễn Xí thì bất ngờ bị một chiếc xe tải đi ngược chiều đâm phải. Tỉnh dậy trong bệnh viện, người vợ đón nhận hung tin đứa con chị đang mang trong bụng đã mồ côi cha. Tất cả nỗi đau đó xuất phát từ cơn buồn ngủ của người tài xế!

Hôm chúng tôi đến nhà, đứa con gái lớn ba tuổi của anh Tuấn đang bám riết lấy bà nội để hỏi: “Bà có thấy ba con về chưa? Ba đi sao lâu quá à!”. Chờ bé đi khỏi, mẹ anh Tuấn thở dài: “Ngày nào nó cũng hỏi về ba, tôi phải nói tránh là ba đi làm xa rồi. Hôm thằng Tuấn xảy ra chuyện nó cũng đòi đi theo, may mắn là không hiểu sao ba mẹ nó nhất định không cho”.

Chỉ vào chiếc máy tiện chiếm một góc nhà, ông Minh quẹt nước mắt: “Thằng Tuấn hiền lành, chăm chỉ lắm. Giờ nó đi rồi, gia đình chẳng còn ai đủ sức phụ tui theo nghề này nữa”. Sau tai nạn, ông Minh ngậm ngùi trả mặt bằng tiệm tiện mà hai cha con từng dựa vào để nuôi sống cả gia đình. Vợ ông dù bị bệnh tim nay phải đi làm tạp vụ để cáng đáng gánh nặng cơm áo. 

Bữa cơm quạnh quẽ của gia đình em Văn Công Lợi, học sinh lớp 11 Trường Bình Phú, quận 6, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Bữa cơm lạnh lẽo

Đã sắp đến giờ đi học nhưng em Văn Công Lợi, học sinh lớp 11 Trường Bình Phú, quận 6, TP.HCM vẫn ráng đợi hương tàn trên bàn thờ ba để dọn thức ăn xuống. Trước đây, cứ vào giờ này là gia đình đã ăn xong bữa cơm trưa để Lợi kịp giờ tới trường. Cho đến một buổi trưa tháng 5 vừa qua, anh Văn Công Hoài đã bỏ mẹ con Lợi để đi mãi.

Hôm đó, anh Hoài ngồi sau xe máy của người hàng xóm. Khi xe đang đổ dốc cầu Chà Và thì người chở không làm chủ tốc độ đâm vào gờ cầu, anh Hoài đập đầu xuống đường, mũ bảo hiểm vỡ nát. “Từ ngày ổng mất, mấy đứa con cũng hết được uống sữa, ăn bánh cha hay mang về nữa. Ổng chạy xe ôm chở hàng giỏi lắm, không biết kiếm được bao nhiêu chứ ngày nào cũng mang về đưa cho vợ 200.000 đồng để lo cơm nước. Thỉnh thoảng lại mua quà bánh cho các con” - chị Trần Thị Lệ, vợ anh, rưng rưng.

Cuộc sống kể từ khi vắng anh Hoài khó khăn gấp bội, bởi xe bánh mì lề đường của chị Lệ không thể nào lo nổi cho hai đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, chị và các con vẫn phải nương tựa nhau mà sống nhưng nỗi mất mát người chồng, người cha thì không gì có thể bù đắp được.

Trước sau gì cũng tới

Cưới chồng hơn 10 năm, cùng nhau trải qua biết bao nhiêu vui buồn nhưng quãng thời gian khủng khiếp nhất trong cuộc sống của chị Mai Lệ Thường, ngụ đường Lê Quang Sung, phường 6, quận 6, TP.HCM là lúc người chồng của mình ngã xuống sau một TNGT. Lúc đó, anh Lưu Chí Hùng và bạn đang đi trên tỉnh lộ 10 thì va quẹt với một xe khác chạy cùng chiều rồi đâm vào xe máy chạy ngược chiều. Người bạn chết còn anh thì mê man bất tỉnh cả tháng trời, xương đùi dập nát, phải phẫu thuật hộp sọ.

Bà Trần Muối, mẹ anh, tâm sự: “Từ ngày vào bệnh viện chăm nó, tôi bị ám ảnh không dám chạy xe ra đường. Gần một năm trời ở bệnh viện, ngày nào nó cũng la hét làm các bệnh nhân khác phàn nàn đòi chuyển phòng hoài”. Về nhà, tình hình cũng không được cải thiện mấy, bà đành cho con ra thuê nhà trọ ở chợ Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM. Ngày ngày chị Thường nhận nhang về nhà se, tiện thể coi chừng ông xã. “Lúc trời nóng nực là ổng lên cơn đập phá, tôi phải giấu hết dao, kéo đi. Chỉ khi nghe con gái gọi mấy tiếng ba ơi, ba ơi thì ổng mới dịu lại. Thôi số mình khổ nên đành chấp nhận vậy” - chị Thường ứa nước mắt kể. Giờ đây, trách nhiệm vừa là mẹ vừa là cha, vừa là vợ vừa là trụ cột gia đình cứ đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của phụ nữ ấy.

Nỗi đau của ba gia đình trên cũng là những mất mát khủng khiếp của hàng ngàn gia đình trên cả nước trong thời gian qua. Nghe tới TNGT, khuôn mặt họ luôn hằn lên nỗi ám ảnh, khiếp sợ.

Sau mỗi cú nhấn ga, tăng tốc thiếu ý thức có khi là thảm cảnh của cả một gia đình.

HOÀNG LAN

Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại

Đó là chủ đề chính của đại lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì TNGT tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) ngày 9-11 (ảnh). Đại lễ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức để tưởng nhớ đến những nạn nhân đã chết hoặc phải mang thương tật suốt đời vì TNGT, cũng như chia sẻ đau thương, mất mát với những người thân của họ.

TNGT: Người đi đau một, người ở khổ mười! ảnh 2

“Cầu mong cho gia đình các nạn nhân đủ niềm tin, nghị lực để nén đau thương, sớm vượt qua những khó khăn trước mắt” - ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT, phát biểu.

Thông qua đại lễ, Ủy ban ATGT Quốc gia và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam muốn gửi đến đồng bào, cộng đồng xã hội lời kêu gọi: Khi tham gia giao thông, bạn hãy trân trọng cuộc sống của chính mình cũng như của người khác.

M.QUÝ - P.TĨNH

______________________________________________

7.000 người đã chết và hàng ngàn người khác phải chịu thương tật suốt đời vì TNGT trong 10 tháng đầu năm 2014. Tuy số người chết và số vụ TNGT giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng năm nay lại xảy ra rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc, thương tâm.

Hôm nay là đúng 102 ngày từ khi vợ tôi bỏ gia đình ra đi mãi mãi vì TNGT. Không gì đau đớn cho bằng nỗi đau mất đi người thân. Tôi mong muốn mọi người dân trên khắp đất nước hãy vì mình, vì người thân mà cẩn trọng hơn khi chạy xe trên đường.

Ông LÊ NGỌC TUYỀN, ngụ quận Tân Phú

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm