Tổ chức Cấm vũ khí hóa học nhận giải Nobel Hòa bình

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (trụ sở ở The Hague, Hà Lan) đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2013. Ngày 11-10, ông Thorbjoern Jagland, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, tuyên bố tổ chức này được chọn vì đã giữ vai trò trung tâm trong công tác phá hủy vũ khí hóa học ở Syria.

Công việc nguy hiểm và thầm lặng

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học đã trở thành tâm điểm thế giới với vai trò giám sát phá hủy vũ khí hóa học ở Syria sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 2118 (ngày 27-9) dựa theo thỏa thuận Nga-Mỹ ở Genève nhằm ngăn chặn Mỹ can thiệp quân sự vào Syria.

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học giám sát việc thực hiện Công ước Cấm vũ khí hóa học đồng thời hỗ trợ và bảo vệ các nước thành viên bị đe dọa hoặc bị tấn công bằng vũ khí hóa học.

Công ước Cấm vũ khí hóa học được ký kết ở Paris ngày 13-1-1993, có hiệu lực ngày 29-4-1997, là hiệp ước đầu tiên trên thế giới về giải trừ quân bị đàm phán trong khuôn khổ đa phương về phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học nhận giải Nobel Hòa bình ảnh 1

Các chuyên gia Tổ chức Cấm vũ khí hóa học thu thập mẫu tại Syria. Ảnh: REUTERS

Công ước được ban hành căn cứ Nghị định thư Genève năm 1925, cấm nghiên cứu, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học đồng thời cấm nước ký kết giúp đỡ nước thứ ba sản xuất hoặc sử dụng vũ khí hóa học.

Các chuyên gia của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất độc hại nên phải mặc quần áo bảo hộ đặc biệt bởi chỉ cần chất độc sarin tiếp xúc với da cũng đủ gây biến chứng thần kinh làm hệ hô hấp ngừng hoạt động dẫn tới tử vong. Khi làm nhiệm vụ tại Syria, các chuyên gia còn phải đội mũ sắt và mặc áo chống đạn.

Ủy ban Nobel Na Uy đã 19 lần trao giải Nobel Hòa bình cho một tổ chức, trong đó có Ủy hội quốc tế Chữ thập đỏ, Cao ủy LHQ về người tị nạn, Văn phòng Lao động quốc tế, tổ chức Ân xá quốc tế, lính mũ nồi xanh LHQ, tổ chức Thầy thuốc không biên giới, tổ chức LHQ, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, Liên minh châu Âu.

Giải thưởng Nobel Hòa bình trị giá 0,9 triệu euro sẽ được trao tại Oslo (Na Uy) vào ngày 10-12.

Cuộc chiến mang màu sắc tôn giáo

Trong khi đó, ngày 11-10, tổ chức Tầm nhìn nhân quyền (HRW) có trụ sở ở Mỹ đã công bố báo cáo ghi nhận phe nổi dậy Syria đã sát hại 190 thường dân và bắt giữ hơn 200 thường dân làm con tin trong vụ tấn công vào tỉnh Latakia ngày 4-8. Đây là địa bàn sinh sống của các tín đồ Hồi giáo dòng Alawite ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad.

HRW nhận định hành vi của phe nổi dậy Syria là tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Theo các nhân chứng ở Syria, nhiều trường hợp nguyên gia đình đã bị phe nổi dậy sát hại.

HRW ghi nhận đây không phải là hành vi của một vài tay súng riêng lẻ mà là chiến dịch tiêu diệt người Alawite có kế hoạch và có điều phối. Bọn tấn công còn khoe chiến tích trong các băng video và các tuyên bố. HRW khẳng định các nhà tài trợ ở vùng Vịnh đã chi tiền cho chiến dịch này.

HRW nhận ra năm nhóm giữ vai trò cung cấp tiền bạc, tổ chức và tiến hành sát hại thường dân ở tỉnh Latakia. Trong số đó có tổ chức Mặt trận Al-Nusra, tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và phương Đông (hai tổ chức này có liên hệ với Al Qaeda) và tổ chức Những người Tự do phương Đông.

Mặt trận Al-Nusra gồm chủ yếu là các phần tử thánh chiến người Syria trong khi Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và phương Đông gồm đa số là bọn thánh chiến nước ngoài.

Tổ chức Những người tự do phương Đông chủ trương thiết lập nhà nước Hồi giáo ở Syria. Chúng xem dòng Shiite của Tổng thống Bashar al-Assad là kẻ thù và người Alawite ủng hộ dòng Shiite đã phải lãnh nhận hậu quả thảm khốc.

Theo HRW, vẫn còn nghi vấn liên quan đến vai trò của Quân đội Tự do Syria, tổ chức được Mỹ, Anh, Pháp và nhiều nước Hồi giáo dòng Sunni ở vùng Vịnh ủng hộ.

Trong một băng ghi hình tại tỉnh Latakia đưa lên mạng hôm 11-8, Salim Idriss chỉ huy Quân đội Tự do Syria khoe khoang lực lượng vừa mới tham gia một cuộc phản công trên quy mô lớn. Chưa rõ có phải đó là trận đánh ngày 4-8 ở tỉnh Latakia hay không!

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học ra đời năm 1997, sử dụng khoảng 500 nhân viên với ngân sách hoạt động dưới 100 triệu USD mỗi năm. Tổng giám đốc Ahmet Uzumcu là người Thổ Nhĩ Kỳ. Từ năm 1997 đến cuối tháng 9-2013, tổ chức này đã giám sát phá hủy 58.172 tấn vũ khí hóa học, chiếm 81,71% kho vũ khí hóa học trên thế giới và đã thực hiện 5.286 cuộc giám sát tại 86 nước thành viên. Tổ chức này có 189 nước thành viên. CHDCND Triều Tiên, Angola, Ai Cập và Nam Sudan chưa ký kết và phê chuẩn Công ước Cấm vũ khí hóa học. Israel và Myanmar đã ký kết năm 1993 nhưng chưa phê chuẩn Công ước.

HOÀNG DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm