Ngày 30-3, các thẩm phán tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) của Liên Hợp Quốc đã phán quyết rằng việc Mỹ cho phép các tòa án nước này phong tỏa tài sản của một số công ty Iran là bất hợp pháp, yêu cầu Washington bồi thường cho phía Iran, theo hãng tin Reuters.
Vụ việc bắt đầu vào năm 2016 khi Iran kiện Mỹ lên ICJ, cáo buộc Washington vi phạm hiệp ước hữu nghị năm 1955 về quan hệ song phương.
Trong các phiên điều trần năm 2022, Mỹ lập luận rằng tòa án nên bác bỏ vụ kiện vì Washington tịch thu tài sản là do Iran tài trợ khủng bố. Phía Mỹ cho biết sẽ dùng số tiền tịch thu để bồi thường cho nạn nhân vụ đánh bom năm 1983 ở Lebanon và các cuộc tấn công khác mà Iran có liên quan.
Iran phủ nhận tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố.
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở TP The Hague, Hà Lan. Ảnh: REUTERS |
Năm 2018, Mỹ rút khỏi hiệp ước hữu nghị 1955. Tuy nhiên, ICJ phán quyết rằng hiệp ước vẫn có hiệu lực vào thời điểm Mỹ đóng băng tài sản của các công ty Iran, do đó Washington đã vi phạm hiệp ước.
Chủ tọa phiên tòa ngày 30-3, ông Kirill Gevorgian nói: “Tòa án đã kết luận rằng Mỹ đã vi phạm nghĩa vụ theo hiệp ước hữu nghị”.
Ông cho biết Iran có quyền đòi bồi thường và các bên có 24 tháng để thống nhất về số tiền. Nếu không thể thống nhất, tòa sẽ bắt đầu các thủ tục tố tụng mới để xác định mức bồi thường.
Tuy nhiên, ICJ cho biết tòa không có quyền tài phán đối với số tiền 1,75 tỉ USD của ngân hàng trung ương Iran mà Washington đang đóng băng. Tòa lập luận rằng ngân hàng trung ương không là một doanh nghiệp thương mại nên không được hiệp ước 1955 bảo vệ.
Nói về phán quyết trên, Bộ Ngoại giao Iran cho biết: “Phán quyết của ngày 30-3 của ICJ một lần nữa cho thấy tính hợp pháp trong các quan điểm của Iran và hành vi bất hợp pháp của Mỹ”.
Trong khi đó, Mỹ gọi phán quyết là một “chiến thắng lớn” vì nó không bao gồm số tiền 1,75 tỉ USD của ngân hàng trung ương Iran.
Ông Rich Visek - Cố vấn Pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ, người có mặt tại buổi đọc phán quyết, nói: “Đây là một chiến thắng lớn đối với Mỹ và các nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố do nhà nước Iran tài trợ”.
Các phán quyết của tòa ICJ có tính ràng buộc, nhưng không có phương tiện cưỡng chế để thực thi. Trong quá khứ, cả Mỹ lẫn Iran đều đã nhiều lần bỏ qua các phán quyết của tòa án này.