Góp ý sửa đổi Luật Tổ chức TAND

Tòa không thu thập chứng cứ: Nhiều vấn đề cần xem xét thấu đáo

(PLO)- Tôn trọng nguyên tắc tranh tụng là cần thiết, thế nhưng cũng cần nhìn nhận thực tiễn về trình độ, hiểu biết pháp luật… của người dân để có những quy định phù hợp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã thông tin tới bạn đọc về đề xuất tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính; chỉ hỗ trợ người yếu thế khi có yêu cầu, tại dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Xung quanh đề xuất này còn nhiều vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng từ lý luận đến thực tiễn.

Tòa thu thập chứng cứ, việc tranh tụng gặp khó nhưng…

Theo báo cáo tổng kết thi hành thực tiễn BLTTDS 2015 của TAND TP.HCM, việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự còn nhiều bất cập.

Một phiên xử dân sự trực tuyến tại TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: KHẮC TUẤN

Một phiên xử dân sự trực tuyến tại TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: KHẮC TUẤN

Cụ thể, đương sự có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý. Tuy nhiên, trong thực tiễn các đương sự gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, nhất là các tài liệu đó đang do cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác lưu trữ, quản lý. Những trường hợp này đương sự không thể thu thập được nên phải đề nghị tòa án thu thập.

TAND TP.HCM cho rằng điều này làm cho việc tranh tụng gặp rất nhiều khó khăn và đẩy công việc của tòa án thành việc phải xác minh sự việc.

Về chứng minh, chứng cứ, điểm e khoản 1 Điều 97 BLTTDS 2015 quy định đương sự có quyền yêu cầu tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể tự thu thập. Quy định này dẫn đến việc đương sự mặc nhiên xác định tòa án có nhiệm vụ thu thập chứng cứ. Thực tiễn tòa án cấp phúc thẩm đã hủy, sửa bản án sơ thẩm vì lý do cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ không đầy đủ.

Tại Hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS năm 2015 do TAND TP.HCM tổ chức ngày 22-8, ông Quách Hữu Thái (Phó Chánh án TAND TP.HCM) cho rằng cần làm rõ những trường hợp nào tòa án thu thập chứng cứ. Theo ông Thái, nên giới hạn những trường hợp tòa án thu thập chứng cứ là trong trường hợp tranh chấp liên quan đến tài sản công hoặc người yếu thế...

Còn ông Phạm Tuấn Anh (Chánh án TAND quận Bình Thạnh), theo Điều 6 BLTTDS 2015 thì đương sự phải cung cấp chứng cứ, tòa án chỉ thực hiện việc thẩm tra các chứng cứ mà đương sự cung cấp. Tòa án chỉ thu thập chứng cứ trong trường hợp có người yếu thế hoặc tranh chấp liên quan đến tài sản công. Do đó, tòa án chỉ nên hỗ trợ chứ không làm thay và nguyên tắc là đương sự cung cấp đến đâu tòa án xử lý đến đó, điều này sẽ tránh được việc tòa án thu thập chứng cứ có lợi cho một bên.

Trong khi đó, ông Lê Minh Phước (Phó Chánh án TAND quận Phú Nhuận) cho rằng vẫn nên duy trì quyền thu thập chứng cứ của tòa án và nên quy định những trường hợp nào tòa án được chủ động thu thập chứng cứ...

Theo Chính phủ, việc người dân phải tự mình thu thập các chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đặc biệt là thu thập từ các cơ quan, đơn vị… là một thách thức lớn.

… Cũng là thách thức nếu để đương sự tự thu thập

Cho ý kiến về đề xuất của TAND Tối cao, Chính phủ cho biết quy định này của dự thảo chưa thực sự phù hợp với thực tiễn hiện nay. Bởi lẽ thực tế về trình độ dân trí, ý thức, hiểu biết pháp luật của người dân, nhất là người lao động hiện nay còn nhiều hạn chế, trong khi cơ chế luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng hết được yêu cầu của người dân.

Theo Chính phủ, việc người dân phải tự mình thu thập các chứng cứ trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, đặc biệt là thu thập chứng cứ từ các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc các doanh nghiệp là một thách thức lớn, bởi họ không đủ điều kiện, năng lực và khả năng để yêu cầu tổ chức, cá nhân nêu trên cung cấp chứng cứ cho họ.

Bên cạnh đó, đối với việc hỗ trợ người yếu thế thì hiện nay chúng ta đã có chế định trợ giúp pháp lý, trong đó bao gồm cả việc hỗ trợ thu thập chứng cứ.

Ngoài ra, việc đề xuất sửa đổi nội dung này trong dự thảo luật cần được thực hiện đồng thời với việc tổng kết thi hành các đạo luật có liên quan như BLTTHS, BLTTDS, Luật Tố tụng hành chính, nhất là những nội dung về khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hành thu thập tài liệu, chứng cứ của tòa án.

Do đó, Chính phủ đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc thêm về vấn đề này để vừa bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng một nền tư pháp “chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”, vừa phù hợp với thực tiễn và đảm bảo các quyền, lợi ích của người dân.

Cần “mở đường” cho tòa nếu gặp khó khi thu thập tài liệu

Thực tiễn “án tồn” đa số là án về đất đai. Nguyên nhân là do phải chờ các cơ quan chức năng cung cấp các tài liệu, chứng cứ. Dù đã có công văn của tòa nhưng họ thường chậm hoặc không trả lời, gây ra tình trạng án quá hạn, án lâu năm.

Do đó, luật nên quy định rõ trong trường hợp đã quá thời hạn mà cơ quan được yêu cầu không cung cấp thì tòa án xử luôn dựa trên các chứng cứ mà các bên đương sự cung cấp cùng với phần tranh tụng tại tòa. Có như vậy thì mới giải quyết được vấn đề này.

Thẩm phán Hồ Thị Thanh Loan, Phó Chánh án TAND huyện Bình Chánh, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm