Vụ “nguyên đơn vắng mặt, tòa phúc thẩm xử sao?”

Tòa phúc thẩm xử sai luật

Tòa cũng tuyên hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất giữa ông T. ký với Công ty K. (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) vô hiệu, bác yêu cầu đòi nhà của Công ty K. đối với ông T... Sau đó ông C. và ông T. không kháng cáo, riêng Công ty K. kháng cáo yêu cầu tòa phúc thẩm buộc ông T. giao nhà cho mình. VKS kháng nghị theo hướng hủy toàn bộ án sơ thẩm.

Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Đà Nẵng đã áp dụng điểm a khoản 2 Điều 199 BLTTDS để đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông C. với lý do hai lần tòa này triệu tập hợp lệ nhưng ông C. vẫn vắng mặt. Tòa chấp nhận kháng cáo của Công ty K., sửa án sơ thẩm, buộc ông T. phải giao nhà cho Công ty K...

Theo tôi, việc tòa phúc thẩm đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trong khi vẫn xét xử yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là sai luật.

Theo Điều 260 BLTTDS, tòa phúc thẩm chỉ được đình chỉ xét xử phúc thẩm trong các trường hợp: Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền lợi, nghĩa vụ của họ không được thừa kế; cơ quan, tổ chức đã bị giải thể hoặc bị tuyên bố phá sản mà không có cá nhân, cơ quan, tổ chức nào kế thừa quyền lợi, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó; người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc VKS rút toàn bộ kháng nghị và các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

Trong vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không rút kháng cáo, VKS cũng không rút kháng nghị nên không thuộc trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc VKS rút toàn bộ kháng nghị. Chỉ còn “các trường hợp khác mà pháp luật có quy định” nhưng rất tiếc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao lại chưa có hướng dẫn đó là những trường hợp nào.

Có lẽ tòa phúc thẩm đã căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 266 BLTTDS. Đó là trong trường hợp người tham gia tố tụng khác không phải là người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa thì việc tiến hành xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 199 BLTTDS, trong đó có nội dung: “Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án”. Đây là điều luật dẫn chiếu việc áp dụng pháp luật nên không cần câu nệ Điều 199 nằm ở đâu, chương nào của BLTTDS.

Ở đây, một khi tòa phúc thẩm đã vận dụng Điều 199 BLTTDS thì cần phải thấy rằng điều luật quy định “tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án” chứ không quy định “tòa án ra quyết định đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn”. Mà đình chỉ giải quyết vụ án có nghĩa là không xem xét, giải quyết bất cứ cái gì liên quan đến vụ án nữa, trong đó có cả nội dung kháng cáo, kháng nghị.

Như vậy, việc tòa phúc thẩm chỉ đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà vẫn tiếp tục xét xử yêu cầu kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là sai quy định tại Điều 199 BLTTDS.

Luật sư ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm