Tòa Tối cao xử giám đốc thẩm hủy quyết định giám đốc thẩm của Tòa Cấp cao

Ngày đầu năm Nhâm Dần 2022, ông Lê Minh Nguyên (ngụ phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM) thở phào nhẹ nhõm khi nhận được quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Từ quyết định này, ông thoát khỏi chuỗi ngày khổ sở vì đi khiếu nại việc định giá tài sản chỉ bằng 1/3 giá trị thực tế, quyết định cưỡng chế thi hành án bằng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành án cho khoản vay riêng của vợ.

Khoản nợ riêng 9 tỉ của vợ

Bà Trần Bích T (đường Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, An Giang) kiện vợ chồng ông Nguyên yêu cầu trả nợ 9 tỉ đồng (cộng lãi là 11 tỉ đồng). Bà T cung cấp chứng cứ là biên nhận đề ngày 1-11-2016 chỉ có chữ ký của bà H (vợ ông Nguyên).

Theo bà T thì bà H vay tiền để đáo hạn ngân hàng và bổ sung vốn kinh doanh cho quán cà phê của vợ chồng. Do đó, khoản nợ này là nợ chung của vợ chồng ông Nguyên trong thời kỳ hôn nhân.

Tuy nhiên, nội dung biên nhận không ghi rõ mục đích vay như bà T trình bày. Cũng không có tài liệu nào trong hồ sơ thể hiện khoản vay này là để phục vụ mục đích kinh doanh hay sử dụng cho nhu cầu thiết yếu của gia đình ông Nguyên.

Ông Nguyên trình bày với tòa rằng ông và bà H đã ly thân từ năm 2015. Ông hoàn toàn không biết việc vay mượn tiền giữa bà H và bà T. Việc kinh doanh của ông không liên quan đến bà H. Ông không đồng ý liên đới trả nợ…

Ngày 3-10-2018, xử sơ thẩm, TAND TP Long Xuyên vẫn buộc ông Nguyên phải trả nợ cùng vợ.

Xử phúc thẩm, TAND tỉnh An Giang đã sửa án, buộc mình bà H trả nợ với nhận định nguyên đơn không chứng minh được bị đơn vay nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25, 26 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Vì vậy, việc tòa sơ thẩm tuyên buộc trách nhiệm liên đới của ông Nguyên là không có căn cứ.

Sau đó, quyết định giám đốc thẩm ngày 4-10-2019 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án phúc thẩm, giữ nguyên án sơ thẩm.

Ông Lê Minh Nguyên trình bày nguy cơ mất tài sản vì nghĩa vụ liên đới trả khoản vay riêng của vợ. Ảnh: PL

Vợ vay, chồng không biết nên không liên đới

Ông Nguyên đề nghị TAND Tối cao giám đốc thẩm, hủy quyết định giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Hai năm sau, ngày 22-10-2021, chánh án TAND Tối cao đã ban hành quyết định kháng nghị, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm theo hướng giữ nguyên án phúc thẩm.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm mới đây, đại diện VKSND Tối cao thống nhất với kháng nghị của chánh án TAND Tối cao về việc không thể buộc chồng liên đới trả khoản nợ riêng của vợ…

Hội đồng giám đốc thẩm nhận định rằng theo văn bản thỏa thuận ngày 24-8-2015 giữa ông Nguyên và bà H thì bà H không được tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động kinh doanh của gia đình. Nếu bà H muốn thực hiện thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của ông Nguyên. Văn bản này được thực hiện trước khi bà H ký biên nhận vay tiền của bà T. Do đó không có cơ sở xác định khoản tiền bà T cho bà H vay là nợ chung vợ chồng.

TAND TP Long Xuyên buộc ông Nguyên liên đới trả nợ là không đúng. TAND tỉnh An Giang buộc mình bà H trả nợ là có cơ sở. Quyết định giám đốc thẩm ngày 4-10-2019 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án phúc thẩm, giữ nguyên án sơ thẩm là không đảm bảo quyền lợi của ông Nguyên.

Do đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận kháng nghị của chánh án TAND Tối cao, hủy quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM, giữ nguyên bản án phúc thẩm.

Điều tra, xác minh dấu hiệu cho vay lãi nặng

Các tin nhắn, sổ nợ do bà T cung cấp cũng như sự thừa nhận của bà T tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm cho thấy bà T cho bà H vay tiền với lãi suất 3%-4%/tháng; lãi suất ngày là 0,3%/ngày, tức 9%/tháng, 108%/năm.

Theo Điều 1 Quyết định 2868 ngày 29-11-2010 của Ngân hàng Nhà nước, mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9%/ năm. Như vậy, lãi suất do các bên thỏa thuận sẽ không được vượt quá: 9% x 150% = 13,5%/năm và lãi suất cho vay tối đa trung bình một tháng là 13,5:12 = 1,125%/tháng.

Tại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã chỉ ra rằng mức lãi suất cho vay như nêu trên đã vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, đồng thời không phù hợp Điều 468 BLDS 2015…

Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP Long Xuyên đang thụ lý tố giác tội phạm đối với bà T về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201 BLHS).

Một vụ án tương tự ở tỉnh Bến Tre, Cơ quan CSĐT Công an huyện Chợ Lách đã khởi tố vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Vụ án được phát hiện từ việc nguyên đơn cho vay với lãi suất 9%/tháng, đi kiện đòi nợ thì bị phát hiện lãi suất cho vay vượt quá năm lần mức lãi suất cao nhất theo quy định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm