LẠM DỤNG MIỄN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ - BÀI 4

“Tôi chỉ muốn được xét xử đàng hoàng!”

23 năm trước, tháng 11-1990, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hậu Giang (cũ, nay là TP Cần Thơ) khởi tố vụ án buôn lậu ô tô, một tháng sau thì khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đình Nhu (ngụ thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) về hành vi buôn lậu qua biên giới với vai trò đồng phạm.

Hơn 20 năm bỏ lửng bị can

Tháng 8-1991, Cơ quan An ninh điều tra có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKS cùng cấp đề nghị truy tố sáu bị can, trong đó có ông Nhu.

Theo kết luận điều tra, năm 1989, ông Nhu hành nghề mua bán xe máy, đến tháng 6-1990 bắt đầu chuyển sang mua bán ô tô. Từ thời điểm này đến khi bị bắt, ông Nhu đã mua bán tám ô tô, trong đó có ba xe thuộc diện Campuchia gồm một chiếc xe Mitsubitshi (mua của Nguyễn Hữu Trí bán lại cho người khác), một chiếc Toyota chín chỗ (mua của Trí bán lại cho người khác), một xe Taltsot (chưa bán cho ai).

Kết luận điều tra cho rằng hành vi mua bán ba xe Campuchia đã thể hiện ông Nhu là người tiếp tay cho việc buôn lậu của một đối tượng người Campuchia và Trí nên ông Nhu phải chịu trách nhiệm đồng phạm.

“Tôi chỉ muốn được xét xử đàng hoàng!” ảnh 1

Hằng ngày kiếm cơm từ nghề làm chậu xi măng, ông Nhu vẫn khẳng định sẽ tiếp tục đi đòi công lý cho mình. Ảnh: G.TUỆ

“Nhận kết luận điều tra, tôi có đơn khiếu nại gửi VKSND tỉnh Hậu Giang (cũ) để kêu oan. Đến tháng 5-1992, tôi được trả tự do và cấm đi khỏi nơi cư trú, sau đó VKS cũng không có cáo trạng truy tố” - ông Nhu kể. Ông liên tục khiếu nại, kêu oan nhưng từ năm 1992 đến đầu năm 2012 không ai đoái hoài gì đến. Bất ngờ đến tháng 10-2012, ông mới nhận được quyết định đình chỉ điều tra của VKSND TP Cần Thơ (ký ngày 28-9-2012).

Theo quyết định này, ông Nhu đã có hành vi phạm tội buôn lậu qua biên giới nhưng do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa nên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS.

Ông Nhu bức xúc: “Tôi chỉ yêu cầu một điều duy nhất khi gửi đơn đến cơ quan chức năng trong suốt hơn 20 năm là nếu tôi có tội thì đưa vụ án ra xét xử đàng hoàng cho rõ trắng đen, nếu không thì trả lại danh dự và tài sản đã thu giữ của tôi. Vậy mà vụ án chẳng ai xét xử, tôi khiếu nại liên tục thì tháng 10-2012, VKSND TP Cần Thơ mới mời tôi lên nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can. Tôi thật sự bất ngờ khi đến nay, VKS lại miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tôi đâu có yêu cầu họ miễn tội cho tôi, tôi muốn đưa vụ án ra xét xử cho rõ đúng sai mà”.

Trên bảo oan, dưới không chịu thừa nhận

Một thân phận khác cũng bất hạnh không kém ông Nhu là ông Nguyễn Văn Triều (ngụ huyện Châu Thành, Cần Thơ cũ, nay là quận Cái Răng, TP Cần Thơ).

Năm 1996, ông Triều bị các cơ quan tố tụng huyện Châu Thành khởi tố, truy tố về hành vi vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai. Khi TAND huyện đưa vụ án ra xét xử mới phát hiện sai sót trong quyết định hành chính của UBND huyện Châu Thành nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đồng thời cho ông Triều tại ngoại sau 103 ngày tạm giam. Tháng 2-1997, cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang UBND huyện Châu Thành để chỉnh sửa lại những vấn đề tòa đã yêu cầu thì dẫn đến thất lạc hồ sơ gốc của vụ án.

Ông Triều sau đó liên tục khiếu nại yêu cầu giải quyết vụ việc. 10 năm sau, Cơ quan CSĐT Công an quận Cái Răng mới ký quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Triều với lý do đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Ông Triều khiếu nại, đòi bồi thường oan thì đến năm 2009, cơ quan điều tra Công an quận Cái Răng lại “đính chính” lý do đình chỉ điều tra bị can đối với ông là hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội.

Ông Triều tiếp tục khiếu nại. Năm 2011, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an có công văn gửi Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đề nghị chỉ đạo Công an quận Cái Răng bồi thường oan cho ông Triều theo Nghị quyết 388. Thế nhưng tháng 4-2011, các cơ quan tố tụng của quận Cái Răng họp liên ngành lại cho rằng việc khởi tố, bắt tạm giam ông Triều là đúng, không phải trường hợp oan nên không bồi thường.

Tháng 5-2012, VKSND Tối cao có công văn trả lời đơn khiếu nại của ông Triều, cho rằng sau khi nghiên cứu hồ sơ, căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì trường hợp của ông Triều thuộc diện được bồi thường oan. Trong công văn, VKSND Tối cao cũng xác định rõ cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Công an quận Cái Răng.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, dù ông Triều tiếp tục có đơn khiếu nại đòi bồi thường nhưng chẳng nơi nào giải quyết. “Tôi biết phải làm sao đây?” - ông Triều ngao ngán than thở.

“Tôi sẽ đeo đuổi sự thật đến cùng”

Sau hơn 20 năm bị “treo” với thân phận bị can, nay tôi mới được cởi bỏ, trở thành người công dân danh chính ngôn thuận đàng hoàng. Nhận quyết định đình chỉ điều tra mà đêm ấy tôi không ngủ được. Bà con, họ hàng ai cũng nói được như vậy là mừng rồi. Nhưng tôi vẫn phải khiếu nại để VKS đình chỉ thì đình chỉ cho trúng, cho tôi phục chứ không thể như vậy được. Hằng ngày cắm mặt vô làm chậu xi măng kiếm sống, chắt chiu nuôi ba đứa con ăn học, gia cảnh khó khăn nhưng nghèo thì nghèo tôi vẫn sẽ đeo đuổi để đi đến cùng sự thật.

Ông NGUYỄN ĐÌNH NHU

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm