‘Tôi đã mua nhà 1,8 tỉ bằng số vốn 600 triệu đồng’

Vợ chồng anh Đào Thanh Hùng (ngụ phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM) sau 11 năm chung sống tích góp được 600 triệu đồng và quyết định mua nhà ở. Nhiều người vẫn cho rằng không nên vay mượn quá 50% giá trị căn nhà nhưng vợ chồng anh đã… liều lựa chọn một căn hộ có giá đến 1,8 tỉ đồng.

“Nếu phải tích góp thêm 400 triệu mới quyết mua thì liệu khi ấy có còn căn nhà nào trên dưới 2 tỉ mà mình ưng ý hay không. Nghĩ vậy nên tôi quyết luôn” - anh Hùng hào hứng kể.

Lập phương trình tính cách trả tiền nhà

Để mua được giá gốc, anh Hùng chấm những dự án vừa bắt đầu khởi công, mở bán. Ban đầu anh chỉ định mua ở mức giá 1,5 tỉ đồng nhưng lại không thể chọn được sản phẩm phù hợp. “Sau khi tìm hiểu pháp lý, tiện ích, tôi quyết định mua căn chung cư có giá 1,8 tỉ đồng” - anh Hùng cho biết.

Chiến lược anh Hùng đặt ra là vay ngân hàng và tiết kiệm từ thu nhập để trả nợ. Theo hợp đồng, anh sẽ thanh toán tiền nhà theo tiến độ. Đầu tiên, khi ký hợp đồng phải trả trước 20%, sau đó cứ sau hai tháng đóng tiếp 7% trong sáu đợt. Đợt thứ bảy đóng 8% và đợt cuối khi nhận nhà đóng 25%. Số tiền 5% còn lại, khi nhận sổ sẽ thanh toán hết.

Anh Hùng chia sẻ với số vốn 600 triệu đồng, chỉ được 1/3 căn nhà mà quyết định mua thì quả là liều lĩnh nhưng anh cho rằng mua thì sẽ có, không mua sẽ không bao giờ có. “Ký hợp đồng và đóng tiền lần đầu tôi đóng 20%, tức là 360 triệu, tôi vẫn còn cầm 240 triệu, tôi quyết định làm thủ tục vay ngân hàng 70%. Tuy nhiên, thời điểm đó ngân hàng nói do tôi chỉ mới thanh toán được 20% nên mỗi đợt giải ngân tiếp theo tôi phải chi 30% và ngân hàng chi 70% số tiền phải đóng. (Sáu đợt tiếp theo là 7% giá trị căn hộ, tức 126 triệu, chúng tôi sẽ phải chi 38 triệu đồng và ngân hàng chi số còn lại)” - anh Hùng nói.

Anh Hùng cho biết phải để dành 38 triệu đồng sau hai tháng quả rất khó khăn, chưa kể phải trả thêm khoản lời ngân hàng theo mỗi đợt thanh toán. “Mới đầu tôi xoay xở bằng cách: Tôi dùng số tiền 240 triệu còn lại cũng đủ xoay cho sáu đợt tiếp theo. Còn lại tới đâu tôi tính tới đó. Theo tiến độ thì phải một năm mới nhận nhà nên tôi vẫn còn một năm để tiết kiệm” - anh Hùng nói.

Mua nhà chung cư trả góp là lựa chọn của nhiều người. Ảnh: PV

“Trước đây thu nhập 26 triệu đồng thì gia đình tôi tuy không dư nhưng sống khá thoải mái, ăn uống, mua sắm và lâu lâu còn có thể đi du lịch, mỗi tháng chúng tôi để dành được chỉ 5-6 triệu. Kể từ ngày mua nhà, mục đích của chúng tôi là chỉ tiết kiệm dành cho tiền mua nhà.

Trừ các chi phí sinh hoạt, mỗi tháng tôi tiết kiệm được 14 triệu từ tiền lương, cộng thêm với những khoản làm thêm và tiền thưởng Tết năm ngoái tôi có thêm khoảng 40 triệu. Vậy là năm vừa rồi tôi để ra được khoảng 200 triệu nữa” - anh Hùng phân tích.

Như vậy theo anh Hùng, sau khi thanh toán đợt cuối cùng, anh trả tổng số tiền là 800 triệu đồng. Thay vì ngân hàng giải ngân 70% (1,26 tỉ đồng) nhưng cuối cùng nhờ tiết kiệm, anh Hùng chỉ vay 1 tỉ đồng. “Tôi vay trong 15 năm và hiện mỗi tháng trả cả vốn lẫn lời là hơn 13 triệu. Cũng là số tiền tiết kiệm mỗi tháng như trước nhưng bù lại tôi không mất chi phí thuê nhà (3 triệu). Với 13 triệu, cộng với vài khoản làm thêm, gia đình tôi vẫn đủ sinh hoạt” - anh Hùng hào hứng kể.

Không phải ai cũng may mắn

Anh Hùng khoe mới nhận nhà gần một tháng nay. Trước khi thanh toán đợt cuối, có người đã trả căn chung cư của anh với giá là 2,3 tỉ đồng. “Chỉ trong một năm mà lời tới 500 triệu thì đúng là không tưởng với vợ chồng tôi. Trước đây tôi chỉ mong có căn nhà để ở chứ không nghĩ có lời nhiều vậy” - anh Hùng nói.

Theo anh Hùng: “Nếu không mua nhà, thú thực nhiều năm qua chúng tôi không biết mình lại lãng phí đến vậy. Trước đây cứ có lương là cả nhà đi siêu thị mua sắm, tôi hay chiều con mua đồ chơi, quần áo, rồi mặc cũng chả hết, rồi đồ chơi vài bữa cũng bỏ. Ngoài ra, chúng tôi còn hay đi ăn uống trong nhà hàng vào cuối tuần, rồi hay đi du lịch nữa. Những tưởng trong khả năng lương của chúng tôi nhưng nhiều năm nhìn lại chúng tôi vẫn thiếu căn nhà, và nếu cứ thế này sẽ chả bao giờ mua được”.

Về trường hợp của vợ chồng anh Hùng, một chuyên gia kinh tế cho rằng anh chị có phần liều lĩnh. Anh Hùng may mắn rơi vào trường hợp có kết quả (tạm thời) là khả quan. Vì sau 11 năm anh chị mới dành dụm được 600 triệu đồng thì giờ sau một năm anh chị tiết kiệm thêm 200 triệu đồng, cùng với số tiền lời từ căn nhà là 500 triệu đồng. Đây là khoản lời lớn.

“Còn trường hợp xấu thì chúng ta phải tính thêm bài toán kinh tế về rủi ro như thất nghiệp, đau ốm, tai nạn… Trong trường hợp này, vợ chồng anh Hùng không có một khoản dự phòng nào. Nếu rơi vào cảnh này hẳn không dễ dàng tính bài toán tiếp theo. Nước đường cùng là bán nhà, tuy nhiên cũng phải tính đến trường hợp bất động sản có thể đóng băng, nhà đất khó bán, bán tháo, bán lỗ… Vì vậy đây là kinh nghiệm nhưng không phải ai cũng nên thử, vì không phải ai cũng may mắn có được công việc ổn định và sức khỏe tốt” - chuyên gia này nói.

Cách tiết kiệm tiền từ thu nhập

Theo anh Hùng, sau khi hai vợ chồng nhận lương, anh gửi ngay 13 triệu đồng vào tài khoản chờ ngày ngân hàng thu, vậy là anh yên tâm khoản này. Còn 13 triệu đồng, anh chia các khoản cứng phải chi như tiền học thêm cho hai con và tiền điện, nước hết khoảng 4 triệu đồng.

Số tiền 9 triệu đồng còn lại, vợ chồng anh chi cho sinh hoạt hằng ngày. “Chúng tôi luôn để dành một khoản tiền cố định, dự phòng trường hợp đám cưới, tiệc tùng, những khoản phát sinh thêm… Điều quan trọng nhất là phải biết kiểm soát chi tiêu, mình phải biết mỗi ngày cả gia đình được phép tiêu bao nhiêu và chỉ cố gắng chi trong khoản đó. Nếu dư, cuối tháng cả gia đình có thể dẫn nhau đi mua sắm, ăn uống” - anh Hùng nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới