Vụ sinh con khi chồng chỉ mới 13 tuổi: Nữ vẫn có thể bị truy tố tội giao cấu với trẻ em

(PLO)-  Mới đây, PLO có đăng tải vụ việc hai vợ chồng sinh con đầu lòng khi anh chồng mới chỉ hơn 13 tuổi, kèm theo đó là những tranh cãi xung quanh việc có xử lý hình sự chị N hay không?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để rộng đường dư luận, PLO giới thiệu tới bạn đọc ý kiến của ông HUỲNH MINH KHÁNH, Cán bộ TAND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang về vụ việc nêu trên.

Qua công tác kiểm sát việc giải quyết ly hôn giữa chị N và anh T, thấy năm 2014 hai người tổ chức lễ cưới và đăng ký kết hôn theo quy định. Tuy nhiên, trước đó anh T và chị N đã có với nhau con chung là cháu LKT sinh ngày 20-10-2008.

Hồ sơ thể hiện anh T sinh tháng 1-1995, chị N sinh năm 1990 nên lúc hai người có con chung là cháu LKT thì anh T mới hơn 13 tuổi, còn chị T đã 18 tuổi.

Vì thông thường trong các loại tội phạm về tình dục như: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu với trẻ em (người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), người thực hiện hành vi phạm tội đều là nam giới. Nhưng trong vụ việc nói trên thì người thực hiện hành vi là chị N (là phụ nữ) nên các cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc áp dụng pháp luật.

Xét về cấu thành tội phạm, hành vi của chị N đã cấu thành tội giao cấu với trẻ em theo quy định tại khoản 1 Điều 115 BLHS năm 1999 vì thời điểm phạm tội xảy ra trước khi BLHS 2015 có hiệu lực, cũng như khung hình phạt của Khoản 1 Điều 115 BLHS năm 1999 và Khoản 1 Điều 145 BLHS năm 2015 là như nhau.

Qua nghiên cứu các điều luật về tội phạm tình dục, BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 đều không loại trừ trường hợp người phạm tội là phụ nữ vì các điều luật đều xác định người phạm tội bằng từ “người nào”.

Sở dĩ, có quan điểm người phạm tội tình dục chỉ là nam giới là vì xuất phát từ hướng dẫn của TAND Tối cao về đường lối xét xử của loại tội hiếp dâm từ năm 1967 (từ khi chưa có BLHS ra đời).

Từ đó tới nay, theo lối mòn tư duy và tiền lệ trước đó, cũng như từ thực tiễn xét xử (đều xét xử nam hiếp dâm nữ) nên mọi người đều mặc nhiên thừa nhận chủ thể của tội hiếp dâm là nam giới.

Bản tổng kết của TAND Tối cao số 329/HS2 ngày 11-5-1967 đã đề cập đến khái niệm“giao cấu” như sau: “Giao cấu chỉ cần có sự cọ sát trực tiếp dương vật vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ (bộ phận từ môi lớn trở vào) với ý thức ấn vào trong không kể sự xâm nhập của dương vật là sâu hay cạn, không kể có xuất tinh hay không là tội Hiếp dâm được coi là hoàn thành, vì khi đó nhân phẩm danh dự của người phụ nữ đã bị chà đạp”.

Như vậy, khái niệm về giao cấu tại thời điểm năm 1967 có đoạn “…vì khi đó nhân phẩm danh dự của người phụ nữ đã bị chà đạp”; đoạn này mặc nhiên thừa nhận người bị hại trong tội hiếp dâm đều là phụ nữ nên người phạm tội bắt buộc phải là nam giới.

Tương tư tội hiếp dâm, tội giao cấu với trẻ em cũng không thoát khỏi lối mòn tư duy đó nên trong trường hợp của chị N và anh T đã nêu còn xuất hiện quan điểm trái ngược nhau.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, các quy định của BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 đều không loại trừ người phạm tội là phụ nữ vì các điều luật đều xác định người phạm tội là “người nào”, có nghĩa là không loại trừ giới tính của người phạm tội.

Do có thay đổi quan điểm về người phạm tội, không loại trừ giới tính nên khái niệm về giao cấu cũng được thay đổi theo và được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn bằng Nghị quyết số 06/2019.

“Giao cấu theo quy định tại các 141, 142, 143, 144 và 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào. Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập”.

Do vậy, chị N đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm giao cấu với trẻ em theo quy định tại Khoản 1 Điều 115 BLHS 1999 và xin khẳng định rằng “tội phạm tình dục, không loại trừ người phạm tội là phụ nữ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm