Tổng quan diễn biến cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật

Tổng quan diễn biến cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật ảnh 1

Vị trí lò phản ứng số 1, 2, 3, 4 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Toàn bộ các mốc thời gian dưới đây được tính theo giờ địa phương.

Thứ sáu ngày 11/3/2011

14h46: Một trận động đất mạnh 9.0 độ richter rung chuyển cả một vùng rộng 370km ở đông bắc Tokyo, ở độ sâu 24,5km. Trận động đất mạnh thứ 5 thế giới này gây nên một cơn sóng thần cực mạnh trên Thái Bình Dương. Chỉ trong vòng 1 giờ, quái vật sóng thần cao tới 10m đã ập vào bờ biển Nhật Bản, quét sạch thành phố, làng mạc trên đường đi.

Cơn đại địa chấn gây thiệt hại nặng nề tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi (Fukushima số 1), cách phía nam thành phố Sendai 65km. Trước đó, 3 lò phản ứng của nhà máy được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1970 tới 1979 đã được đóng cửa để kiểm tra trước thời điểm động đất xảy ra. 3 lò còn lại được thiết kế tự động ngắt trong trường hợp có động đất với hệ thống máy phát điện diesel lập tức hoạt động để bơm nước giữ lạnh cho lò.

Tuy nhiên, khi sóng thần ập vào, nước tràn và gây ngập máy phát điện khiến chúng không hoạt động được. Các lò phản ứng bắt đầu tăng nhiệt.

20h15: Chính phủ Nhật tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại nhà máy Fukushima 1.

22h30: Các quan chức cho biết hệ thống làm lạnh của nhà máy không hoạt động và thừa nhận họ đang phải "đối mặt với thảm hoạ tồi tệ nhất".

Tổng quan diễn biến cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật ảnh 2

Vụ nổ đầu tiên ở lò phản ứng số 1 xảy ra vào ngày 12/3/2011

Thứ bảy ngày 12/3/2011

2h06: Nồng độ phóng xạ tại lò phản ứng số 1 ở Fukushima được báo cáo bắt đầu gia tăng.

3h24: Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Banri Kaieda cảnh báo, có thể xảy ra rò rỉ phóng xạ mức độ nhỏ tại nhà máy.

6h45: Công ty Điện lực Tokyo cho hay, chất phóng xạ có thể đã bị rò rỉ tại Fukushima.

Theo Cơ quan An toàn Công nghiệp Hạt nhân Nhật Bản, mức độ phóng xạ ở khu vực cổng chính nhà máy cao hơn 8 lần mức bình thường.

16h19: Cơ quan Hạt nhân Nhật cho biết, một lượng cesium phóng xạ nhỏ đã thoát ra ngoài khỏi nhà máy, nhiều khả năng là do một thanh nhiên liệu tan chảy.

18h22: Vụ nổ khí hydro xảy ra tại lò phản ứng số 1 khiến 4 công nhân bị thương.

20h18: 200.000 dân cư sống trong bán kính 20km từ nhà máy được lệnh sơ tán.

20h54: Các nhà chức trách khẳng định không có khí độc hại phát ra sau vụ nổ, bởi nguyên nhân là do hơi nước tích tụ trong quá trình làm lạnh gây nổ.

22h35: Mức độ bức xạ xung quanh nhà máy giảm xuống khi các quan chức chuẩn bị bơm nước biển vào làm lạnh lò phản ứng. Trong khi đó, chính quyền bắt đầu phân phát các liều i-ốt cho dân cư gần khu vực để đề phòng nhiễm độc phóng xạ.

Chủ nhật ngày 13/3/2011

3h20: 3 người được lựa chọn ngẫu nhiên từ một nhóm 90 người thử nghiệm dương tính với phóng xạ ở Fukushima.

5h37: Chính quyền Nhật Bản cho biết, vụ nổ hôm 12/3/2011 xảy ra ở bên ngoài vỏ chứa, nên lò phản ứng không bị hư hại.

16h46: Chánh văn phòng Nội các Yukio Endo cảnh báo khả năng xảy ra vụ cháy thứ hai ở lò phản ứng số 3.

Tổng quan diễn biến cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật ảnh 3

Vụ nổ khí hydro ở lò phản ứng số 3 xảy ra vào ngày 14/3/2011

Thứ hai ngày 14/3/2011

11h00: Nổ khí hydro ở lò phản ứng số 3, gây ảnh hưởng tới hệ thống làm lạnh của lò phản ứng số 2 khiến 11 người bị thương.

Một bức tường của nhà máy sụp đổ sau vụ nổ, tuy nhiên các quan chức cho hay vỏ chứa lò phản ứng không bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia cho bơm hỗn hợp nước và chất hoá học bo vào lò phản ứng số 2 để làm mát thanh nhiên liệu hạt nhân.

Những người sống trong bán kính 20km chưa chịu di dời được cảnh báo nên ở trong nhà.

Thanh nhiên liệu của lò số 2 bị lộ tới 2,7m bởi máy bơm nước làm mát vì thiếu nhiên liệu nên hoạt động không hiệu quả, khiến lò bắt đầu tăng nhiệt, tạo ra chất phóng xạ.

Tổng quan diễn biến cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật ảnh 4

Vụ nổ ở lò phản ứng số 2 xảy ra ngày 15/3/201

Thứ ba ngày 15/3/2011

6h00: Một vụ nổ xảy ra tại lò phản ứng số 2, là vụ nổ thứ 3 trong vòng 4 ngày, làm hỏng bể chứa.

7h00: Hải quân Mỹ ngừng di chuyển tàu và máy bay cứu trợ sau khi phát hiện 3 binh sĩ trên tàu sân bay USS Ronald Reagan bị nhiễm phóng xạ ở mức độ nhẹ.

8h30: Chánh văn phòng Nội các Yukio Edano cho biết, không loại trừ khả năng tan chảy tại cả 3 lò phản ứng vừa gặp sự cố. Ông cho rằng, mức độ phóng xạ tại nhà máy đã tăng tới mức "gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người" và cảnh báo tất cả những ai sống trong vòng bán kính từ 20-30km đều nên ở trong nhà.

Hầu hết các nhân viên nhà máy, khoảng 800 người, sơ tán khỏi hiện trường, chỉ còn lại 50 người ứng phó với tình trạng khẩn cấp.

Tổng quan diễn biến cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Nhật ảnh 5

Vụ cháy lần một ở lò phản ứng số 4 xảy ra ngày 15/3/211

8h54: Lửa bốc cháy ở bể làm lạnh của lò phản ứng số 4 - nơi đã bị đóng cửa trước trận động đất hôm 11.3.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cảnh báo "vẫn có nguy cơ cao rò rỉ phóng xạ", nhưng ông trấn an người dân bình tĩnh.

Chính phủ áp đặt lệnh cấm bay trong bán kính 30 km từ nhà máy.

11h00: Lửa ở lò phản ứng số 4 được dập tắt. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA cho biết, mức độ bức xạ ghi nhận được ở nhà máy cao gấp 167 lần mức thông thường của một năm, nhưng sẽ giảm nhanh chóng.

23h10: Báo cáo của IAEA cho thấy vụ nổ ở lò phản ứng số 2 hôm 14/3 "có thể gây ảnh hưởng tới vỏ chứa của lò phản ứng này".

23h45: Công ty Điện lực Tokyo thông báo kế hoạch sử dụng trực thăng để dội nước vào lò phản ứng số 4 nhằm làm mát các thanh nhiên liệu.

Thứ tư ngày 16/3/2011

7h00: Vụ cháy lần thứ hai tại lò phản ứng số 4 diễn ra chỉ một ngày sau lần cháy đầu tiên, lần này ở góc phía đông bắc toà nhà.

Nhật Bản quyết định tạm ngừng hoạt động và rút công nhân khỏi nhà máy hạt nhân Fukushima trước tình trạng nồng độ phóng xạ ngày một tăng cao, đe dọa tới sức khỏe các công nhân làm việc tại đây.

Vân Anh tổng hợp (Lao Động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm