Theo đài RT, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 6-10 cho biết ông không loại trừ khả năng sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào tháng 11 tới tại Bali (Indonesia).
“Điều đó vẫn phải chờ xem” - ông Biden trả lời phóng viên khi được hỏi về việc liệu ông có kế hoạch sẽ gặp mặt ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào ngày 15-11.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước phóng viên. Ảnh: REUTERS |
Sau đó, tại buổi họp báo thường kỳ, khi được phóng viên yêu cầu làm rõ hơn về bình luận trên của Tổng thống Biden, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - ông Vedant Patel nhấn mạnh rằng lập trường của Washington trong quan hệ với Moscow không thay đổi.
“Tôi sẽ để Nhà Trắng thông báo về bất cứ lịch trình nào của Tổng thống, nhưng tôi cho rằng một điều mà các bạn nhận thấy khá rõ là không thể trở lại trạng thái bình thường khi đề cập tới Nga vì cuộc xung đột tại Ukraine” - ông Patel cho hay.
Lần cuối cùng hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nga gặp mặt trực tiếp là hội nghị thượng đỉnh tại Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 6 năm ngoái. Sau đó, ông Biden và ông Putin đã có cuộc họp thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến vào cuối năm 2021.
Vào tháng 8, Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo xác nhận cả ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20. Tuy nhiên, Điện Kremlin tháng trước cho hay sự tham gia của Tổng thống Putin sẽ phụ thuộc vào điều kiện an ninh và các vấn đề khác.
Tổng thống Widodo cũng cho biết ông đã gửi lời mời Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky tới tham dự hội nghị thượng đỉnh G20.
Trong một diễn biến khác, báo Nga Izvestia ngày 6-10 dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao nước này cho hay Moscow và Washington đã nỗ lực đạt được "tiến bộ đáng kể" trong các cuộc đàm phán về việc nối lại các hoạt động thanh tra hạt nhân trong khuôn khổ Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí tấn công Chiến lược (New START).
Theo Bộ Ngoại giao Nga, nước này và Mỹ đang tổ chức các cuộc đàm phán trực tuyến trong khuôn khổ tham vấn song phương Mỹ-Nga giám sát Hiệp ước New START cũng như cân nhắc khả năng tổ chức phiên họp tiếp theo ở hình thức trực tiếp để khắc phục các vấn đề tồn đọng.
Nội dung của các phiên họp trên bao gồm việc tìm cách khôi phục hoạt động thanh tra lẫn nhau đối với các kho vũ khí hạt nhân, các kênh liên quan trong "việc tuân thủ đầy đủ hiệp ước”, đặc biệt là đối với một số điều khoản liên quan tới cơ chế xác minh, cũng như về "những vấn đề tổ chức và kỹ thuật cần được giải quyết".
Mặc dù các phiên họp được Bộ Ngoại giao Nga đánh giá là "tiến bộ đáng kể” nhưng "vẫn còn những khó khăn đáng kể” như các vấn đề liên quan tới đại dịch COVID-19, các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Moscow đã ngăn cản các chuyên gia Nga đến Mỹ.
Vào tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nước này đang nghiên cứu khả năng tổ chức một cuộc gặp trực tiếp giữa các nhà đàm phán Nga và Mỹ liên quan đến Hiệp ước New START chỉ một tháng sau khi Moscow hồi tháng 8 tuyên bố "rút tạm thời" khỏi hoạt động thanh tra theo khuôn khổ hiệp ước.
New START được ký kết vào năm 2010 và là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước được gia hạn vào năm 2021 và có hiệu lực đến năm 2026, đặt ra các giới hạn về số lượng vũ khí hạt nhân mà mỗi bên có thể triển khai, đồng thời vạch ra các điều khoản để xác minh và kiểm tra kho vũ khí hạt nhân của nhau.