Tổng thống Putin ký sắc lệnh cấm bán dầu cho các nước áp giá trần

(PLO)- Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cấm xuất khẩu đối với bất cứ bên nào áp giá trần lên dầu Nga, có hiệu lực từ tháng 2-2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đài RT đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 27-12 đã ký sắc lệnh về các biện pháp đáp trả đối với bất cứ bên nào áp giá trần lên dầu xuất khẩu của Nga.

Sắc lệnh mới của Tổng thống Putin công bố trên trang web chính phủ Nga có đoạn: “Cấm cung cấp dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ của Nga cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp áp dụng cơ chế áp giá trần trong hợp đồng mua bán​”.

“Lệnh cấm áp dụng cho tất cả các giai đoạn từ cung cấp đến người tiêu thụ cuối cùng” - văn bản cho biết.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tại TP Saint Petersburg (Nga) ngày 26-12. Ảnh: SPUTNIK

Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tại TP Saint Petersburg (Nga) ngày 26-12. Ảnh: SPUTNIK

Cũng theo sắc lệnh này, việc cấm cung cấp dầu mỏ sẽ có hiệu lực từ ngày 1-2 đến 1-7-2023. Lệnh cấm đối với các sản phẩm từ dầu sẽ được chính phủ quyết định sau.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin có thể cấp phép cung cấp đặc biệt với các sản phẩm bị cấm do vi phạm quy định giá trần.

Động thái được đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU), Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) và Úc công bố áp dụng mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga từ ngày 5-12. Lệnh trừng phạt cũng cấm các công ty cung cấp bảo hiểm và các dịch vụ khác cho các dầu Nga trừ khi dầu được bán với mức 60 USD/thùng trở xuống.

Trước đó, Điện Kremlin đã tuyên bố sẽ đáp trả theo cách có lợi nhất cho Nga, cảnh báo sẽ không giao dịch với các quốc gia ủng hộ mức giá trần.

Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho rằng nhu cầu dầu mỏ của Nga trên thị trường vẫn cao bất chấp lệnh trừng phạt. Theo ông, áp trần giá sẽ chỉ đẩy giá năng lượng lên cao do nguồn cung khan hiếm. Ông nhấn mạnh rằng Nga coi các cơ chế phi thị trường như vậy là “không thể chấp nhận được”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm