Tổng thư ký QH nói về trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyệt Hường

“Sáng qua 18-7, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Theo đó, tại hội nghị chúng tôi đã trích xuất các kiến nghị, đề xuất về công tác bầu cử từ báo cáo của 63 địa phương gửi về để Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, sửa đổi quy trình giới thiệu, xem xét ứng cử viên ĐBQH cả ở ba vòng hiệp thương nhằm tránh trường hợp hai người trúng cử nhưng lại bị bác tư cách ĐBQH như vừa qua” - Tổng thư ký ông Phúc nói.

Ông Phúc cho hay ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang) bị Hội đồng bầu cử quốc gia bác tư cách ĐBQH (vào ngày 15-7) vì đã có những sai phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận.

Mới đây, chiều 18-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục có chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra quá trình sai phạm, bổ nhiệm ông Thanh. Ông Thanh là do Ủy ban bầu cử của Hậu Giang giới thiệu.

Về trường hợp của doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ông Phúc cho biết đây là nữ đại biểu của Hà Nội tái cử Quốc hội khóa thứ 3. Bà Hường là ủy viên của MTTQ Việt Nam, tham gia nhiều hội, là doanh nhân thành đạt, bà vi phạm Luật Quốc tịch Việt Nam, vì thế Hội đồng Bầu cử quốc gia đã họp phiên đột xuất thứ tám (vào ngày 17-7) để bỏ phiếu không xác nhận tư cách ĐBQH của bà Hường.

“Bà Hường không có đơn tố cáo gì, việc bà Hường nhập quốc tịch Malta cũng mới được cơ quan chức năng phát hiện và thông báo cho Hội đồng Bầu cử Quốc gia” - ông Phúc nói.

Ông Phúc giải thích thêm: “Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định, đã là công dân VN chỉ có một quốc tịch Việt Nam thôi. Còn đồng bào, kiều bào Việt Nam có thể có 2-3 quốc tịch, tùy theo quy định về quốc tịch ở nước họ sống nhưng về Việt Nam sử dụng quốc tịch nào thì được đối xử tương ứng như vậy. Có nghĩa nếu dùng quốc tịch Việt Nam thì được đối xử như công dân Việt Nam, còn dùng quốc tịch nước ngoài thì được đối xử như người nước ngoài. Còn anh là công dân Việt Nam, sinh sống, làm việc tại Việt Nam thì chỉ có một quốc tịch Việt Nam”.

Liên quan đến việc Quốc hội khóa XIII có hai ĐBQH là doanh nhân bị loại, tới khóa XIV lại thêm một doanh nhân nữa bị bác tư cách ĐBQH, ông Phúc cho hay: “Quốc hội là cơ quan đại diện cho dân, nguyện vọng ý chí của dân vì thế phải đầy đủ các thành phần, trong đó có doanh nhân và người dân đã bỏ phiếu lựa chọn như thế. Tôi nghĩ vào QH phải là đại diện cho ý chí vì nhân dân chứ không phải vào Quốc hội để tránh nọ tránh kia, có sai phạm thì trước sau cơ quan chức năng cũng sẽ xử lý”.

Liên quan đến quy trình xác nhận tư cách ĐBQH của Hội đồng Bầu cử Quốc gia có vấn đề hay không khi cả hai trường hợp bị bác tư cách ĐBQH vừa qua đều từ cơ quan khác phát hiện, ông Phúc lý giải: “21 thành viên của Hội đồng Bầu cử Quốc gia đều là những đại diện cho các cơ quan chức năng, ở từng lĩnh vực riêng. Sau khi công bố kết quả trúng cử, có thời gian năm ngày nhận đơn thư tố cáo, Hội đồng Bầu cử sẽ chỉ đạo giải quyết trong vòng 30 ngày. Quy định thời gian như vậy để cho cử tri giám sát việc đó. Trách nhiệm của Hội đồng Bầu cử xem xét thấu đáo kỹ lưỡng các đơn thư kiến nghị để trả lời cho cử tri. Ví dụ trường hợp ông Thanh xem qua hồ sơ không có vấn đề gì cả nhưng qua báo chí, nhân dân phản ánh thì thấy có vấn đề. Còn bà Nguyệt Hường thì do cơ quan chức năng phát hiện ra”.

Bộ luật Hình sự sai 90 điều, sẽ xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã cho biết như vậy khi đề cập đến việc vừa qua Quốc hội phải lùi thời gian có hiệu lực của Bộ luật Hình sự vì phát hiện đến 90 điều trong bộ luật này có sai sót.

“Đây là điều rất đáng tiếc, Bộ luật Hình sự lẽ ra có hiệu lực từ ngày 1-7 nhưng lại phải sửa 90 điều. Về việc này các ĐBQH khóa XIII sẵn sàng nhận trách nhiệm chứ không chối. Nhiệm kỳ vừa qua chúng ta đã ban hành 107 luật, trong đó có Hiến pháp. Chỉ duy nhất có Bộ luật Hình sự là sai nhiều. UBTV Quốc hội cũng đã nhận trách nhiệm này, chúng tôi cũng đang xem xét trách nhiệm của các cơ quan và cá nhân liên quan chứ không né tránh gì cả” - ông Phúc cho hay.

Theo ông Phúc, hiện việc sửa luật này đang được các cơ quan gấp rút làm, dự kiến đến tháng 9-2016 sẽ trình UBTVQH cho ý kiến để sớm trình kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIV.

“Luật này do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII thẩm tra. Sau khi xem xét sửa luật sẽ xem xét tránh nhiệm của từng tập thể cá, nhân, từng quy chuẩn một. Có đồng chí khóa XIII đã nghỉ, có đồng chí còn đang làm” - ông Phúc cho biết.

Kỳ họp này chủ yếu làm công tác nhân sự

Theo kế hoạch, kỳ họp thứ nhất QH khóa XIV khai mạc 20-7-2016, bế mạc 29-7.

Đây là kỳ họp bản lề cho cả nhiệm kỳ, tập trung phần lớn thời gian tổ chức nhân sự, xem xét thảo luận báo cáo KTXH và một số vấn đề quan trọng khác. Theo đó, kỳ họp có tám ngày làm việc thì có đến sáu ngày làm nhân sự, hai ngày xem xét vấn đề quan trọng của đất nước.

Cụ thể, từ ngày 20 đến 28-7 QH sẽ làm công tác nhân sự, nghe báo cáo về bầu cử, kết quả xác nhận tư cách ĐBQH, bầu Chủ tịch QH, PCT QH, các ủy viên TVQH, Chủ tịch nước, Thủ tướng, chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, phê chuẩn danh sách thành viên chính phủ, hội đồng an ninh...

QH sẽ dành hai ngày báo cáo của CP về tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm, sáu tháng cuối năm. Đồng thời xem xét chương trình giám sát 2016, 2017 và thành lập giám sát chuyên đề nếu có… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm