Tour du lịch nông nghiệp xanh: Sức hút mới của TP.HCM

(PLO)- Mỗi năm, TP.HCM có khoảng 5 triệu lượt khách tìm về các vùng nông thôn, các huyện ngoại thành để trải nghiệm du lịch nông nghiệp. 

Trong xu hướng du lịch xanh đang lên ngôi, TP.HCM đã nhanh chóng khai thác tiềm năng nông nghiệp kết hợp du lịch nhằm tạo sản phẩm mới thu hút du khách. Các nông trại trở thành điểm đến độc đáo nhờ vào mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp giáo dục và bảo tồn môi trường.

Tour du lịch nông nghiệp hút khách

Tại TP.HCM, xu hướng du lịch nông nghiệp xanh đang nhận được nhiều sự quan tâm từ du khách trong và ngoài nước. Nổi bật trong số đó là Suối Tiên Farm, một nông trại xanh đặt tại TP Thủ Đức, trở thành điểm đến độc đáo nhờ vào việc kết hợp nông nghiệp công nghệ cao và hoạt động trải nghiệm giáo dục.

Được đầu tư hơn 100 tỉ đồng, Suối Tiên Farm đã thu hút hàng triệu lượt du khách. Đây là nông trại đầu tiên tại TP.HCM ứng dụng công nghệ cao từ Nhật Bản và Israel, đạt chuẩn VietGap. Các đặc điểm nổi bật có thể kể đến bao gồm nhà màng công nghệ cao, hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, và trồng hơn 31 giống cây ăn trái nhập khẩu từ nhiều quốc gia.

Điểm nhấn nổi bật vào cuối năm 2024, Suối Tiên Farm chính thức ra mắt vườn sung Mỹ độc đáo, mang đến trải nghiệm tham quan và thưởng thức trái cây mới lạ ngay tại vườn. Đây là một sản phẩm đặc sắc giúp Suối Tiên Farm khẳng định vị thế tiên phong trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp xanh.

Năm 2024, TP.HCM đã chứng kiến sự phát triển của các tour du lịch nông nghiệp, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Lê Thương

Ngoài Suối Tiên, các đơn vị khác cũng đang đẩy mạnh mô hình nông nghiệp xanh, đặc biệt thu hút những nhóm du khách mong muốn khám phá sự khác biệt giữa thành phố sôi động và những không gian nông thôn xanh mát.

Trong năm 2024, TP.HCM đã chứng kiến sự phát triển của các tour du lịch nông nghiệp, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Một trong những điểm đến nổi bật là Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, nơi trung bình mỗi năm đón từ 30.000 - 40.000 khách tham quan, bao gồm học sinh, sinh viên và các đoàn du lịch.

Các nông trại trở thành điểm đến độc đáo nhờ vào mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Ảnh: Lê Thương

Ngoài ra, các làng nghề truyền thống như làng muối xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) và làng nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi) cũng được bảo tồn và phát triển, kết hợp với du lịch, thu hút lượng lớn du khách đến trải nghiệm văn hóa và quy trình sản xuất truyền thống.

Mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn...; Mô hình du lịch trải nghiệm gắn với giáo dục nghề nghiệp như Pro-Farm (huyện Hóc Môn), Nông trang xanh, Về quê (Củ Chi), Happy farm (Bình Chánh), Trang trại Tam Nông (Quận 12), Dragon farm (Thủ Đức)...

Cần hạ tầng phục vụ du khách

Tuy nhiên, theo các đơn vị làm du lịch nông nghiệp cho biết vẫn còn nhiều khó khăn trong xây dựng hạ tầng phục vụ du khách, thiếu chính sách về vốn hỗ trợ… Do đó, các công ty du lịch kiến nghị thành phố cần sớm ban hành các chính sách khuyến khích phát triển du lịch nông thôn, bảo tồn các nghề truyền thống trên địa bàn huyện; sớm điều chỉnh quy hoạch đất thương mại, dịch vụ để các cá nhân, tổ chức thuận lợi trong việc thực hiện xây dựng nhà lưu trú (homestay), lán trại, nhà vệ sinh...

Ông Phan Văn Kèo, đại diện Khu Du lịch Pro Farm (Hóc Môn) cho biết thường xuyên đón các đoàn khách đến tham quan, đặc biệt là các em học sinh. TP HCM có hơn 2 triệu học sinh - một nguồn khách dồi dào. Tuy nhiên, hiện nay quy định cho phép xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp, nhưng diện tích cho phép còn quá nhỏ, chưa đủ để phục vụ du khách.

TP.HCM phải có đề án phát triển du lịch riêng cho nông dân 5 huyện ngoại thành. Trong đó, người làm du lịch nông nghiệp được phép xây dựng công trình phụ trợ bán kiên cố trên đất nông nghiệp với diện tích lớn hơn. Nếu cần thiết, buộc nông dân phải cam kết trong việc xây dựng công trình phụ trợ.

TP.HCM cần phát triển cơ sở hạ tầng, có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư và đào tạo kỹ năng làm du lịch của nông dân. Ảnh: Thu Trinh

“TP.HCM cần có hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ chính quyền, bao gồm các chương trình hỗ trợ vay vốn tín chấp, đào tạo kỹ thuật nông nghiệp, và xúc tiến thương mại cho sản phẩm nông sản”- ông Kèo chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, chuyên gia lĩnh vực du lịch, cho rằng du lịch nông nghiệp tại TP.HCM có nhiều lợi thế nhưng cần được tổ chức một cách chuyên nghiệp và bền vững. Việc xây dựng chuỗi liên kết dịch vụ du lịch nông nghiệp giữa các hợp tác xã và nông dân là cần thiết để tạo nên hệ sinh thái du lịch rộng lớn và hấp dẫn hơn.

Theo ông Mỹ, phát triển bền vững, cần giải quyết các thách thức như hạn chế về cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư và kỹ năng làm du lịch của nông dân. Việc xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp đăng ký kinh doanh, vay vốn ngân hàng lãi suất thấp và những ưu đãi về thuế cho các hộ dân, doanh nghiệp tham gia loại hình du lịch nông thôn là cần thiết để thúc đẩy loại hình du lịch này.

14% du khách đến TP.HCM đi về du lịch các huyện ngoại thành

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM cho biết, cả nước hiện có 488 điểm du lịch, trong đó du lịch nông thôn chiếm 40%. Tại TP.HCM, có 68 điểm du lịch, thì chỉ có 24 điểm là du lịch nông thôn. Con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp của thành phố.

Năm 2023, Thành phố đã đón 40 triệu lượt khách, nhưng chỉ có 5,4 triệu lượt khách tìm về các vùng nông thôn. Như vậy, chỉ có 14% du khách đến TP.HCM đi về các huyện ngoại thành, các vùng nông thôn để du lịch, cho thấy giá trị du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn tại thành phố còn quá thấp so với tiềm năng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới