TP.HCM thúc đẩy kinh tế số để tăng tốc phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 25-3, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã phối hợp với Sở TT&TT TP tổ chức tọa đàm “Kinh tế số (KTS) - Triển vọng và định hướng phát triển trên địa bàn TP.HCM”.

Đến năm 2030, kinh tế số đóng góp 40% GRDP của TP

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP, cho biết vừa qua Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và Sở TT&TT đã tích cực phối hợp thực hiện việc xác định chỉ số đóng góp của KTS vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP và tham mưu cho lãnh đạo TP những chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và phát triển KTS trên địa bàn TP.

Theo ông Thắng, KTS có tác dụng gia tăng quy mô, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cho các nền kinh tế. KTS còn tạo ra cơ hội cho nhiều người hơn, góp phần làm giảm khoảng cách giàu nghèo, giải quyết các vấn đề xã hội, tăng sự tham gia của người dân, DN vào việc hoạch định chính sách.

Ông Thắng cho biết TP.HCM tiên phong trong việc xây dựng chương trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh. Trong đó, chương trình chuyển đổi số TP ban hành vào tháng 7-2020 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, KTS chiếm 25% và đến năm 2030 chiếm 40% GRDP của TP. Năm 2022, phấn đấu KTS đóng góp 15% GRDP của TP.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP và ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chủ trì buổi tọa đàm.
Ảnh: LÊ THOA

Cũng theo ông Thắng, TP.HCM có nhiều tiềm năng để phát triển KTS và có thể đạt được các mục tiêu. Bởi TP là một trong những địa phương có số dân sử dụng điện thoại thông minh cao nhất nước; hạ tầng cáp quang, Internet băng thông rộng, hạ tầng di động 3G, 4G phủ khắp 100% phường, xã, thị trấn; xu hướng số hóa, làm việc, học tập từ xa ngày càng lan rộng và phổ biến. Đặc biệt, các ứng dụng công nghệ phục vụ cho đời sống người dân trên nhiều lĩnh vực được phát triển nhanh chóng.

Ông dẫn chứng trong năm 2021, qua tác động của đại dịch, nhiều ngành dịch vụ truyền thống có tốc độ tăng trưởng giảm nhưng ngành khoa học công nghệ có mức tăng trưởng tăng 3,8% và ngành thông tin - truyền thông tăng 6,08% so với cùng kỳ. “Đại dịch ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân nhưng lại là cú hích đối với thương mại điện tử, học tập, làm việc trực tuyến và chuyển đổi số nói chung” - ông Thắng khẳng định.

Cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi số

Thảo luận tại tọa đàm, TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận mục tiêu quan trọng nhất của chương trình là đạt được bao nhiêu DN hoạt động trong lĩnh vực KTS, lợi nhuận bao nhiêu, đóng góp bao nhiêu vào GRDP của TP và xác định những việc cần làm trong 5-10 năm tới.

Trên tinh thần đó, TS Vũ cho rằng cần có vườn ươm khởi nghiệp, ươm tạo những ý tưởng thành các DN số. TS Vũ dẫn chứng mỗi năm, khu công nghệ phần mềm của ĐH Quốc gia TP.HCM ươm khoảng 50-70 DN công nghệ thông tin, trong 2-3 năm tới chỉ có 5%-10% DN sống sót nhưng trong đó chỉ có một “DN triệu đô”. Vì vậy, rất cần sự giúp đỡ từ các chính sách của Nhà nước.

Ở góc độ DN, ông Mai Hoài An, Phó Chủ tịch Liên minh DN công nghệ số Việt Nam, đề nghị TP cần có chính sách hỗ trợ các DN vừa và nhỏ để có điều kiện chuyển đổi số. “Nhiều DN khó khăn trong chuyển đổi số vì mức đầu tư kinh phí lớn và độ rủi ro cao. Làm sao để họ tham gia vào chương trình của TP? Cách tốt nhất là TP cần có chính sách hỗ trợ để họ tự tin hơn” - ông An nói.

Ông Nguyễn Minh Tuệ, đại diện Hiệp hội DN TP, cũng cho rằng thuyết phục được DN thực hiện chuyển đổi số rất khó. Ông Tuệ đặt vấn đề cần tuyên truyền đến tận lãnh đạo và nhân viên các DN để hiểu được lợi ích của chuyển đổi số, KTS. “TP muốn thúc đẩy chuyển đổi số nhưng hiện chưa có chương trình, nguồn lực hỗ trợ chuyển đổi số rõ rệt nhằm tăng tính thuyết phục!” - ông Tuệ nêu vấn đề.•

 

Kinh tế số giúp chống tiêu cực, tham nhũng

Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng hiện KTS đang len lỏi đến tất cả lĩnh vực, hoạt động, kể cả công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, ngân hàng, tài chính… Từ đó, KTS không chỉ giúp TP tăng tốc phát triển mà còn giúp gia tăng sức chống chịu trước các tình huống bất thường, bất ngờ, đặc biệt là trong lúc TP thực hiện giãn cách xã hội. KTS còn giúp chống tiêu cực, tham nhũng, làm minh bạch hóa mọi thứ hơn.

Theo ông Ngân, KTS được tính trên ba ngành: Công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa mô tô, xe máy, đồ dùng cá nhân, gia đình; ngành thông tin và truyền thông.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, KTS phải chiếm 25% trong GRDP của TP thì Viện Nghiên cứu phát triển TP và Sở TT&TT cùng các sở, ngành sẽ tập trung công tác tuyên truyền để người dân hưởng ứng chương trình công dân số của TP, làm sao để cái gì có lợi nhất cho người dân thì làm.

Bên cạnh đó, TP sẽ hỗ trợ DN chuyển đổi số bằng những chính sách cụ thể hơn; đầu tư hạ tầng số, cáp quang, 4G, 5G chạy nhanh nhất; đầu tư nguồn nhân lực KTS từ các trường đại học. Đặc biệt, trong các vấn đề về thể chế, luật pháp, quy định pháp luật cũng được kiến nghị để hỗ trợ cho DN chuyển đổi số hiệu quả hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm