TP Thủ Đức sẽ hình thành trung tâm tài chính của Việt Nam

 Video: TP Thủ Đức sẽ hình thành trung tâm tài chính của Việt Nam

Đó là một trong những nội dung được doanh nghiệp, ban ngành đóng góp ý kiến trong buổi toạ đàm đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức diễn ra sáng ngày 5-3.

Tham dự có ông Nguyễn Thanh Nhã, Thành uỷ viên, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc; ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức và nhiều lãnh đạo sở ngành, UBND các quận.

Mong muốn nhận được nhiều đóng góp

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức chia sẻ, TP Thủ Đức với quy mô dân số 1 triệu người, gồm 34 phường.

TP có vị trí nằm về phía Đông của TP.HCM, một vị trí quan trọng trong vùng tam giác TP.HCM- Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng - Quốc lộ 1K, Quốc lộ 52, Quốc lộ 13, đường Vành đai 2,…

Toạ đàm đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức. Ảnh: ĐT.

Kể từ khi thành lập, TP Thủ Đức tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực như: khoa học và công nghệ; công nghệ tài chính; y tế và chăm sóc sức khỏe; công nghệ sinh học và công nghệ sinh thái; giáo dục đào tạo bậc cao, nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao, hợp tác phát triển trong phạm vi vùng và cả nước.

TP Thủ Đức hướng tới đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; có văn hóa đặc trưng trên cơ sở bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước; phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức mong muốn nhận được ý kiến đóng góp đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức. Ảnh: ĐT.

“Tôi hy vọng buổi Tọa đàm hôm nay, các đơn vị sẽ đóng góp thật nhiều ý tưởng để phát triển quy hoạch TP Thủ Đức theo định hướng TP thông minh, sáng tạo, tương tác cao. Chúng tôi rất mong nhận được những đóng góp để hiện thực hóa quy hoạch” - ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc, có ý kiến: "Chúng tôi mong muốn đồ án quy hoạch phải đời thường hơn, bài bản, thành những sản phẩm đi vào thực tiễn.

Chúng ta cần xây dựng quy hoạch tốt từ cở sở tiếp thu một cách trung thực từ ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, coi đây là những tiêu chuẩn để thẩm định đồ án cho khả thi nhất."

Nhiều đóng góp thiết thực

Tại buổi toạ đàm, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Xuất Nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, theo kết luận cuộc họp chiều ngày 4-3, TP.HCM sẽ kết hợp với TP Đà Nẵng hoàn thành đề án trung tâm tài chính ở Việt Nam. Đề án này được công ty ấp ủ nhiều năm và trung tâm tài chính này sẽ được đặt tại TP Thủ Đức.

Để thực hiện thì cần chuẩn bị ngay từ bây giờ. Thứ nhất, cần hoàn thiện hạ tầng giao thông giữa TP Thủ Đức và các tỉnh lân cận.

Thứ hai là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực tài chính, công nghệ, việc này có thể thực hiện liên kết với các nhà đầu tư để đào tạo và chuyển giao; phát triển khu đô thị hiện đại kiểu mẫu, với khu thương mại dịch vụ cao cấp.

Khu đô thị sẽ là điểm thu hút độc đáo cho người dân và du khách khi tới TP.HCM và TP Thủ Đức.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kiến nghị hình thành trung tâm tài chính, kinh tế - thương mại – du lịch ở TP Thủ Đức. Ảnh: ĐT.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng nhấn mạnh cơ quan nhà nước cần số hoá để tra cứu, giải đáp thắc mắc cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, toàn bộ hệ thống giao thông thông minh cần chú ý phát triển hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; chú trọng phát triển năng lượng sạch…

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cam kết sẽ hỗ trợ TP Thủ Đức quy hoạch một số khu vực trở thành khu trung tâm tài chính, kinh tế - thương mại – du lịch, góp phần phát triển kinh tế.

Nhóm tài chính chiến lược đã tổ chức ngay đội ngũ nhân sự, để khi trung tâm tài chính được chọn lựa sẽ bắt tay vào xây dựng ngay trung tâm tài chính này.

Tương tự, Thượng tá Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết hiện nay Tân Cảng là nhà khai thác cảng, container hàng đầu ở Việt Nam, chiếm thị phần lớn.

Đóng góp vào xây dựng quy hoạch đô thị TP Thủ Đức, ông Nam đề xuất tăng năng lực hoạt động của cảng Cát Lái. Theo đó, TP Thủ Đức, cảng Cát Lái cần tăng kết nối về giao thông trong TP Thủ Đức và các tỉnh lân cận và ĐBSCL.

Bên cạnh đó, để xây dựng cầu Cát Lái thì cần chú ý đến tĩnh không để đảm bảo tàu thuyền đi lại. Đồng thời, chú ý tới việc di dời cảng Trường Thọ. Song song đó là sớm quy hoạch các điểm đậu container chờ lấy hàng… Cuối cùng, bố trí các khu dân cư, nhà ở giá rẻ để người lao động đi lại thuận lợi.

Bên cạnh đó là các đóng góp về hạ tầng, viễn thông, giáo dục, y tế… ở TP Thủ Đức. Toạ đàm nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều đơn vị, doanh nghiệp.

Các mục tiêu phát triển TP Thủ Đức:

Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TP.HCM và các địa phương lân cận cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của TP.HCM một cách chiến lược, trọng điểm và phát huy hiệu quả;

Trọng tâm phát triển TP Thủ Đức theo mô hình khu đô thị sáng tạo tương tác cao, trở thành thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, là một trong các động lực tăng trưởng của TP.HCM và khu vực;

Phát triển không gian đô thị TP.HCM phù hợp với chiến lược, mô hình phát triển kinh tế biển, thích ứng biến đổi khí hậu, ngập úng, triều cường, xâm nhập mặn, nước biển dâng;

Phát triển đô thị tích hợp với hệ thống giao thông công cộng (TOD), giao thông khác cao độ, kể cả giao thông ngầm, công cộng và không gian đô thị ngầm xung quanh, gắn kết giữa giao thông công cộng với sử dụng đất để khai thác hiệu quả đất đai, khai thác hệ thống hạ tầng giao thông để mở rộng không gian phát triển đô thị, khu chức năng.

Hình thành các hạt nhân của các trung tâm chính và trung tâm phục trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ, trung tâm y tế, văn hóa, nghiên cứu, giáo dục đào tạo của vùng đô thị và các hạt nhân của các khu đô thị, củng cố cấu trúc đô thị đa cực.

Giữ gìn và năng cao bản sắc không gian kiến trúc cảnh quan TP, phát triển nhà ở và hạ tầng xã hội, đáp ứng nhu cầu sử dụng tiện ích, hạ tầng và dịch vụ công cộng, tăng cường quỹ đất cây xanh công cộng, cải thiện môi trường trong các khu vực hiện hữu.

Phát triển hạ tầng số và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, làm cơ sở quản lý phát triển đô thị theo hướng bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm