Sau một năm thành lập và hoạt động, TP Thủ Đức đạt được một số kết quả rất tích cực về thu ngân sách, thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch… Tuy nhiên, TP Thủ Đức đang rất cần có cơ chế về thẩm quyền, bộ máy hành chính đặc thù để xứng tầm với kỳ vọng của trung ương, TP.HCM và chính người dân nơi đây.
Đặc biệt, áp lực công việc ở các phường rất lớn nhưng biên chế cán bộ vẫn như các địa phương khác, dẫn đến công việc chưa trôi chảy như kỳ vọng.
Cán bộ giải quyết thủ tục cho người dân tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả khu vực 3, TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀNG GIANG
Nhiều cán bộ nghỉ việc do áp lực
Phường Hiệp Bình Chánh là một trong những phường đông dân nhất tại TP Thủ Đức với hơn 100.000 người dân. Khi còn thuộc quận Thủ Đức cũ, khối lượng công việc ở phường đã đồ sộ và đến thời điểm này, cán bộ phường vẫn phải choàng gánh công việc. Có người chọn nghỉ việc vì áp lực.
Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ: Từ khi chưa thành lập TP Thủ Đức, phường đã thiếu hụt cán bộ ở rất nhiều vị trí. Khi TP Thủ Đức đi vào hoạt động, lãnh đạo phường mong sẽ cải thiện vấn đề nhân sự nhưng vẫn không được khắc phục.
Theo ông Tuấn, phường có 32 cán bộ, công chức đang làm việc và phải rất nỗ lực mới đáp ứng tương đối việc giải quyết hồ sơ cho người dân, chưa kể các vấn đề phát sinh khác.
“Cán bộ ngày nào cũng đầu tắt mặt tối từ sáng đến 6-7 giờ tối mới về nhà. Trong đợt dịch bùng phát, lượng công việc của phường càng nhiều. Có người chịu không nổi đã phải xin nghỉ việc” - ông Tuấn nói. Ông cho hay là lực lượng bán chuyên trách lương thấp, không có chế độ đãi ngộ càng khó khăn cho việc sắp xếp, phân công công việc ở phường.
Ông cho hay sau khi sáp nhập ba quận, lãnh đạo TP Thủ Đức quan tâm nhưng thật khó để tường tận hết ngóc ngách, thực tế mà mỗi phường đang gặp phải vì địa bàn quá rộng.
Một vị chủ tịch phường khác cũng nhìn nhận việc cào bằng số lượng cán bộ khiến nhiều phường rơi vào tình trạng thiếu hụt người làm, có phường lại dư.
Về vấn đề này, trong buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM ngày 10-12-2021, Chủ tịch UBND phường An Khánh Hồ Hải Phong cũng chia sẻ phường đang gặp nhiều khó khăn sau khi sáp nhập hai phường Bình An và Bình Khánh thành phường An Khánh. Cụ thể sau sáp nhập, việc xử lý hồ sơ còn tồn đọng của phường cũ gặp khó khăn, người mới phải nắm lại toàn bộ công việc. Cạnh đó, mức thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng cũng làm cán bộ không yên tâm công tác.
Xin được giữ lại số biên chế như cũ TP Thủ Đức hiện có khoảng 580 người, theo lộ trình phải giảm xuống còn 459 người. Tuy nhiên, hơn 500 cán bộ hiện có vẫn chưa thể làm hết việc. Vừa qua khi tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Quốc hội đã có một số cán bộ trăn trở, một số xin nghỉ việc. Lãnh đạo TP Thủ Đức tha thiết mong có thể được giữ lại số biên chế như cũ, thậm chí có thể tăng cường từ sở, ngành xuống bởi dân số sẽ còn tăng nữa. Ông HOÀNG TÙNG, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức |
Ba điểm nghẽn của TP Thủ Đức
Theo TS Bùi Ngọc Hiền (Học viện Cán bộ TP.HCM), TP Thủ Đức là TP thuộc TP trực thuộc trung ương đầu tiên trong cả nước được thành lập trong điều kiện hệ thống thể chế, chính sách về mô hình này chưa hoàn thiện, đang đối mặt với ba điểm nghẽn.
Thứ nhất, thẩm quyền của chính quyền TP Thủ Đức tổ chức và vận hành trên cơ sở thực hiện quy định trong Hiến pháp là “đơn vị hành chính tương đương” quận, huyện, thị xã của TP trực thuộc trung ương và các quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và Nghị định 33/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết 131/2020.
Tuy nhiên, các quy định này chưa toàn diện, cụ thể về một mô hình chính quyền địa phương mới. Ít có sự khác biệt về thẩm quyền của chính quyền TP thuộc TP trực thuộc trung ương (cụ thể là TP Thủ Đức) so với chính quyền địa phương quận, huyện thuộc TP trực thuộc trung ương và chính quyền địa phương huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh.
Thứ hai, thẩm quyền của chính quyền TP Thủ Đức đối với tài chính - ngân sách và quản lý, thu hút đầu tư không có nhiều sự khác biệt, đột phá.
Thứ ba, TP Thủ Đức được thành lập với kỳ vọng trở thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, trở thành một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TP.HCM trên cơ sở khai thác nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số. Tuy nhiên, hệ thống thể chế, chính sách về phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, trí tuệ nhân tạo chưa được hoàn thiện từ cấp độ khung thể chế, chính sách đến các cơ chế, quy định về phát triển ở từng lĩnh vực cụ thể.
Với những điểm nghẽn nêu trên, TP Thủ Đức chưa thể “thoát xác” để phát triển, đáp ứng các kỳ vọng. Đồng thời đặt ra hai vấn đề cần giải quyết. Một là, yêu cầu về xây dựng khung thể chế, chính sách chung cho mô hình TP thuộc TP trực thuộc trung ương. Hai là, yêu cầu cấp bách đảm bảo sự ổn định và phát triển cho TP Thủ Đức, không làm “lỡ nhịp” các cơ hội và phát sinh các vấn đề trong phát triển.
Thực tế này đòi hỏi phải hoàn thiện khung thể chế, chính sách cho mô hình TP thuộc TP trực thuộc trung ương...
Mong TP Thủ Đức là đô thị tự chủ, tự chịu trách nhiệm Tại hội thảo ngày 7-1 do Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, cho biết Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức đang trình Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM để có nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP Thủ Đức. Trong đó sẽ có một số quyền được phân cấp, ủy quyền lại cho TP Thủ Đức. Ông Hiếu cũng trình bày tám mong muốn của TP Thủ Đức, trong đó có nội dung TP Thủ Đức sẽ là đô thị tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đủ thẩm quyền để quyết định những vấn đề của quá trình phát triển đô thị. Ông cũng cho rằng TP Thủ Đức cần có quy hoạch tốt, tầm nhìn, khát vọng nhưng phải sát thực tiễn và phải được người dân đồng thuận cao. LÊ THOA |