Ngày 28-7, lãnh đạo TP.HCM đã có buổi đối thoại với Hiệp hội doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) với chủ đề “Phát triển kinh tế và nắm bắt cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu”.
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8.
Cần cải cách mạnh thủ tục hành chính
Tại buổi đối thoại, đại diện các DN cho rằng cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng hạ tầng là những yếu tố quyết định đến hiệu quả thực thi Hiệp định EVFTA.
Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham, nhận định: Những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc điều chỉnh, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư và hiện đại hóa khung pháp lý để đón đầu các cơ hội đầu tư, kinh doanh mới.
Theo ông Bouflet, các chỉ số môi trường kinh doanh vừa được EuroCham công bố cũng cho thấy mức độ tin tưởng của DN châu Âu vào sự phát triển của Việt Nam ngày càng tăng. Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA được thông qua và chuẩn bị đi vào thực thi chính là lá phiếu tín nhiệm của EU đối với Việt Nam trong nỗ lực hội nhập quốc tế.
Ông Bob Fletcher, Phó Chủ tịch Tiểu ban vận tải và hậu cần EuroCham, cho rằng dù Việt Nam đã nỗ lực cắt giảm các thủ tục hành chính và tích cực điều chỉnh các văn bản pháp luật theo hướng hài hòa với thông lệ quốc tế, song quá trình thực thi trên thực tế còn nhiều bất cập.
Ông dẫn chứng: Việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất nhập khẩu chưa được thống nhất, nhiều cán bộ chưa hiểu rõ quy tắc xác định xuất xứ khiến DN không nhận được ưu đãi thuế quan chính đáng. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý, kiểm soát của hải quan Việt Nam trong một số trường hợp chưa được thông thoáng. Cán bộ hải quan có xu hướng loại bỏ ưu đãi đối với các trường hợp nghi ngờ về xuất xứ mà không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Cộng đồng DN châu Âu mong muốn Việt Nam nâng cao tính thống nhất và thực thi hiệu quả chính sách vào thực tế, đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa để DN chịu trách nhiệm công bố xuất xứ hàng hóa của mình.
Các DN châu Âu cũng mong muốn TP.HCM cải thiện chất lượng hạ tầng, logistics để phục vụ hiệu quả hơn cho hoạt động thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử đang phát triển mạnh. TP cần xác định quy hoạch khu vực phát triển kho bãi trong phạm vi bán kính một giờ di chuyển bằng ô tô vào trung tâm TP, bảo đảm hàng hóa được cung ứng nhanh với chất lượng tốt nhất khi đến tay khách hàng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi đối thoại với các doanh nghiệp châu Âu. Ảnh: T.LÂM
Đồng hành cùng doanh nghiệp: Không nói suông
Phát biểu tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các DN và cam kết sẽ chuyển những ý kiến này thành hành động cụ thể trong quý III-2020, đưa Hiệp định EVFTA trở thành nhân tố quan trọng trong việc triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế sau tác động của dịch COVID-19.
Theo ông Phong, nhìn tổng thể vẫn chưa khơi dậy hết tiềm năng của hơn 20.000 DN xuất khẩu và các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của TP. Do đó trong thời gian tới, TP.HCM cần chuẩn bị một tâm thế sẵn sàng để thích nghi khi thực thi hiệp định. Các rào cản trong nước cần được rà soát để tháo gỡ.
Thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam Châu Âu là thị trường xuất khẩu truyền thống và là đối tác xuất khẩu lớn thứ ba, sau Mỹ và Trung Quốc. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của TP sang châu Âu đạt hơn 5 tỉ USD. Sáu tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu vẫn đạt 2,3 tỉ USD. |
Ông Phong cam kết: “TP.HCM không chỉ mời gọi mà là sẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN nói chung và DN châu Âu nói riêng, không phải hô hào khẩu hiệu hay chỉ là lời hứa hẹn tại các buổi làm việc mà phải bằng các hành động cụ thể”.
Ông cũng hy vọng các DN châu Âu sẽ tin tưởng vào những cải cách của TP.HCM và đề nghị các sở, ngành cùng hướng về DN, tích cực hỗ trợ DN.
Cụ thể, trước ngày 15-8, Sở Công Thương phải trình UBND TP về việc tham mưu chương trình hành động của TP thực hiện Hiệp định EVFTA giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Đồng thời, tham mưu kế hoạch hỗ trợ cho 20.000 DN có hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Đối với Viện Nghiên cứu và Phát triển, ông yêu cầu cần khẩn trương cập nhật hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA đối với tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội của TP trong năm năm đầu thực hiện hiệp định và trình UBND TP trước ngày 30-8.
Sở TT&TT phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền việc thực hiện Hiệp định EVFTA trên địa bàn TP, trình UBND TP trước ngày 15-8. Còn Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Cục Hải quan TP rà soát, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tiêu chuẩn quốc tế.
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với sở/ngành, quận/huyện rà soát các quy định của TP đã ban hành không còn phù hợp với việc thực thi Hiệp định EVFTA, từ đó tham mưu, đề xuất, điều chỉnh và bổ sung các quy định để trình UBND TP trước ngày 20-8.
Lập tổ điều phối giải quyết nhập cảnh Trước đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Để rút ngắn thời gian chờ đợi trong việc giải quyết nhập cảnh cho các chuyên gia, người lao động có tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư..., TP.HCM sẽ lập tổ điều phối (hay văn phòng điều phối) để giải quyết nhanh những vấn đề đặt ra đối với các chuyên gia, các nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào TP.HCM làm việc. Tổ này gồm: Sở Ngoại vụ, Sở LĐ-TB&XH, Sở Y tế, bộ phận xuất nhập cảnh, Sở Du lịch và Sở KH&ĐT. TP.HCM cũng đã chọn tám khách sạn có thu phí để làm nơi cách ly cho các nhà chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào TP làm việc. Tám khách sạn được chọn là những khách sạn 3-5 sao thuộc địa bàn các quận 1, 3, 5, 7 và Tân Bình. Tổng số phòng có thể đáp ứng nhu cầu cách ly là gần 1.500. |