TP.HCM cần đẩy mạnh giải cứu dự án, gỡ vướng cho doanh nghiệp

(PLO)- Dự án thuê đất tại Khu công nghiệp Cát Lái của Công ty TNHH Xây dựng thương mại Tân Tạo đã hơn 20 năm nhưng chưa được cấp sổ hồng.

Cuối tháng 4 vừa qua, tại TP.HCM đã có 13/156 dự án bất động sản (BĐS) được tháo gỡ vướng mắc pháp lý sau nhiều năm bế tắc. Đa phần đó là các dự án nhà ở thương mại, việc gỡ vướng cho các dự án này đã tạo nhiều tín hiệu vui cho thị trường BĐS và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Tuy nhiên vẫn còn hàng trăm dự án khác, không chỉ lĩnh vực nhà ở mà liên quan đến việc thuê đất, đầu tư hạ tầng vẫn đang tiếp tục chờ đợi được chính quyền TP gỡ vướng.

Khu đất tại Khu công nghiệp Cát Lái mà Công ty Tân Tạo thuê bị vướng pháp lý hơn 20 năm qua nên chưa được cấp sổ, chưa thể khai thác. Ảnh: HỮU ĐĂNG

TP.HCM đang đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư

Sau đại dịch COVID-19, TP.HCM bắt tay vào việc phục hồi kinh tế. Trong đó có việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), cải thiện môi trường đầu tư. Điều này thể hiện thông qua hàng loạt hội nghị, tọa đàm gặp gỡ, lắng nghe vướng mắc của DN trong và ngoài nước của lãnh đạo TP.

13 dự án được gỡ vướng nêu trên là kết quả của những cam kết của TP đồng hành với DN. Ngay sau khi gỡ vướng, UBND TP đã cho phép năm DN của năm dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị mới (trong đó có một tập đoàn BĐS nước ngoài) được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc có thêm 5.432 căn hộ được đưa ra thị trường.

Giữa tháng 4, trong buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết được 50 dự án BĐS bị vướng mắc về pháp lý.

Theo đó, TP sẽ thành lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của từng dự án. Hiện nay, TP.HCM có khoảng 156 dự án gặp vướng, trong đó có 38 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm.

Cùng với việc gỡ vướng cho các DN BĐS, lãnh đạo TP cũng tổ chức gặp gỡ các DN nước ngoài và cam kết giải quyết ngay những khúc mắc của DN, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.

Suốt thời gian qua, Công ty Tân Tạo đã nhiều lần liên hệ với các cơ quan chức năng để xin hoàn tất thủ tục pháp lý thuê đất nhưng đều không được xử lý và rơi vào bế tắc.

Còn nhiều dự án vướng pháp lý cần được giải cứu

Theo thống kê của Hiệp hội BĐS TP.HCM, TP hiện vẫn còn hơn 143 dự án BĐS cần được tiếp tục tháo gỡ vướng mắc. Trong đó có tới 70% dự án gặp khó khăn về thủ tục pháp lý.

Trong đó, các trường hợp thường gặp nhất là trường hợp phải rà soát về pháp lý đối với các dự án sử dụng đất có nguồn gốc đất công do sắp xếp lại, xử lý tài sản công, do di dời nhà xưởng bị ô nhiễm, do cổ phần hóa chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định, hoặc phải rà soát tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính bổ sung.

Không chỉ đối với các dự án nhà ở mà hiện nay với các dự án tại khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN), các DN thuê đất cũng kêu trời vì thủ tục hành chính hoặc pháp lý dự án vướng gỡ mãi không xong.

Điển hình như việc thuê hai lô đất E4 và A3 với tổng diện tích hơn 4,7 ha tại KCN Cát Lái cụm II, giai đoạn 2 của Công ty TNHH Xây dựng thương mại Tân Tạo. DN này tham gia hợp tác đầu tư với Công ty Dịch vụ công ích (DVCI) quận 2 để đầu tư vào KCN Cát Lái từ năm 2002.

Công ty Tân Tạo đã nộp 30 tỉ đồng góp vốn để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng của dự án từ năm 2002 và sau hàng loạt vướng mắc pháp lý, đến cuối năm 2018, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận cho Công ty DVCI quận 2 chuyển sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê. Đồng thời, Công ty DVCI quận 2 thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật và lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ hồng) cho Công ty Tân Tạo.

Theo quyết định năm 2018 của UBND TP.HCM nêu trên, Công ty DVCI quận 2 là đơn vị phải đóng tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước (chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hằng năm sang hình thức thuê đất trả tiền một lần) và lập thủ tục ký hợp đồng cho thuê lại đất, cấp sổ cho Công ty Tân Tạo theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được tiền thuê đất mà Công ty DVCI quận 2 phải nộp là bao nhiêu. Cũng vì chưa xác định được nghĩa vụ tài chính của Công ty DVCI quận 2 nên chưa đủ cơ sở pháp lý để làm thủ tục cấp sổ hồng cho Công ty Tân Tạo.

Theo Công ty Tân Tạo, từ khi tham gia đầu tư vào KCN Cát Lái đến nay đã 21 năm nhưng DN này vẫn chưa thể triển khai kêu gọi đầu tư vào dự án. Trong khi thiệt thòi của công ty tính đến nay là rất lớn do thời hạn thuê đất của công ty chỉ còn 30 năm.

“Từ năm 2019 đến nay, có rất nhiều đối tác muốn tìm hiểu và đầu tư vào hai lô đất nói trên nhưng khi đi sâu vào hồ sơ pháp lý dự án thì các đối tác đã từ chối hợp tác đầu tư vì khu đất chưa được cấp giấy chứng nhận” - đại diện của Công ty Tân Tạo cho hay.

DN này cho biết suốt 21 năm qua họ đổ 30 tỉ đồng vào KCN Cát Lái nhưng chưa thể làm được gì và đến nay DN đã chịu thiệt hại rất lớn.

“Suốt thời gian qua, Công ty Tân Tạo đã nhiều lần liên hệ với các cơ quan chức năng để xin giải quyết sớm, hoàn tất thủ tục pháp lý thuê đất nhưng đều không được xử lý và rơi vào bế tắc” - vị đại diện DN này nói.•

Thủ tục hành chính hành doanh nghiệp

Không chỉ Công ty Tân Tạo mà cuối năm ngoái, Hiệp hội các DN KCN TP.HCM (HBA) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng về một số bất cập liên quan đến thủ tục hành chính và môi trường đầu tư tại TP.HCM. Tại văn bản này, HBA cũng đã dẫn chứng nhiều ví dụ về các thủ tục hành chính “hành” DN.

Cụ thể, cùng là nội dung “Điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2000”, Khu chế xuất Linh Trung 3 tại Tây Ninh được giải quyết trong hai tháng là có giấy phép nhưng Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2 tại TP.HCM thì hơn hai năm vẫn chưa có giấy phép. Trong khi nhiều DN gặp rắc rối khi thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến đánh giá tác động môi trường, điển hình như Công ty CP Đầu tư Thương mại Sunshine Tech - Chi nhánh TP.HCM (nay đổi tên là Công ty Unicloud - Chi nhánh TP.HCM) đã làm thủ tục hai năm nhưng đến nay vẫn chưa nhận được giấy phép tác động môi trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới