TP.HCM cần làm gì để giữ chân lao động ngoại tỉnh qua mùa dịch?

Chiều 3-8, tại Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), dòng người mặc đồ bảo hộ kín mít, vội vã dắt díu nhau đi ra những dãy xe đang chờ.

Anh Phạm Thiên Ý cùng đôi nạng gỗ. Ảnh: HÀ KHÁNH

Lê từng bước chân khó nhọc với đôi nạng gỗ, anh Phạm Thiên Ý nói đầy vẻ mệt mỏi: “Công ty không mở cửa nữa, tôi ở nhà đã 2 tháng nay mà không nhận được gói hỗ trợ nào. Ở trọ nên các khoản như tiền trọ, tiền điện, tiền nước… mà không được hỗ trợ là một áp lực rất lớn với tôi”.

Nỗi lo mùa dịch: Tiền nhà, điện, nước

Còn anh Hoàng Nam (quê Phú Yên, trọ quận 12) thì cho biết anh bị mất việc, cả gia đình ở trong khu nhà trọ sập xệ. Cuộc sống khó khăn, được ai hỗ trợ gì thì ăn đó nên cả gia đình đã có ý định về quê nhưng không thể vì TP.HCM đang áp dụng Chỉ thị 16.

“Ở trong đây khó khăn quá, nghỉ việc tháng rưỡi rồi. Nhà cửa thì thuê, ăn uống khổ lắm” - anh Nam nói.

Vì thế, cả gia đình rất vui khi có chương trình đưa bà con Phú Yên gặp khó khăn về quê mà UBND tỉnh này và Công ty Phương Trang thực hiện. Chuyến về lần này chỉ có anh và cậu con trai, hai người còn lại trong gia đình sẽ đợi chuyến sau.

Anh Lê Tuấn Kiệt cùng vợ và con gái 2 tuổi. Ảnh: HÀ KHÁNH

Cuộc sống khó khăn nên về quê là giải pháp cuối cùng của nhiều lao động ngoại tỉnh. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã bào mòn sự kiên nhẫn của những người xa quê như họ. Trước khi có những “chuyến xe nghĩa tình” với sự vào cuộc của UBND TP.HCM và các tỉnh thành để đưa người dân có nhu cầu thật sự về quê, thì một giải pháp mà họ chọn là đi xe máy về dù biết chặng đường hơn ngàn cây số đi kèm với bao rủi ro.

Anh Lê Tuấn Kiệt (ngụ Bến Cát, Bình Dương) kể gia đình anh đã đánh liều như bao người khác là đi xe máy về quê. Quãng đường hơn 500 km phía trước cũng từng khiến anh e ngại nhưng không còn cách nào khác. Tuy nhiên, do bé gái 2 tuổi không thể chịu nổi gió sương nên khi đến địa phận Đồng Nai, anh chị đành quay lại.

“Chủ trọ cũng hứa sẽ tính chuyện giảm tiền thuê trọ, nhưng chỉ hứa thôi. Tôi cũng có nhận được nhu yếu phẩm nhưng mà còn bao khoảng phải lo trong khi tiền tích luỹ cạn” – anh Kiệt chia sẻ.

Tiền trọ 3 triệu giảm 50% nhưng tiền đâu mà đóng?

Suốt mấy tháng nay, anh Bùi Bình và bạn không có việc làm, chỉ ở nhà trọ sống qua ngày tại một khu trọ tại quận Bình Thạnh. Không làm ra tiền nên cuộc sống khá túng thiếu, gia đình ngoài quê Quảng Ngãi phải gửi gạo, rau, củ … vào chi viện.

Thời gian qua, con hẻm nơi anh sinh sống bị phong toả một tháng nên cũng được các cấp các ngành địa phương chăm lo, hỗ trợ nhu yếu phẩm giúp cuộc sống đỡ vất vả. Tuy nhiên, áp lực tiền nhà là khá lớn. Trong tháng 7, chủ trọ giảm 1 triệu đồng nhưng số tiền còn lại vẫn khá nan giải với anh và người bạn mất việc cùng phòng. “Chắc em tìm cách liên hệ xem có chuyến xe từ thiện nào về thôi. Dịch không biết khi nào dứt, thà em về làm nông còn thấy có ích” – Bình tặc lưỡi.

Bà Trần Thị Diệu Thuý - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM. Ảnh: HÀ KHÁNH

Đồng cảnh ngộ, anh BQĐ mất việc, bị kẹt lại TP.HCM, bản thân đau yếu nên vừa qua anh đã phải làm cách mà “cả đời chưa nghĩ đến” là nhắn tin cầu cứu tất cả những ai quen trên Facebook xin ít tiền để “mua mì ăn qua bữa”.

Theo Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và kéo dài như hiện nay thì việc chỉ chăm lo không chỉ nên dừng lại ở việc cung cấp nhu yếu phẩm mà còn phải tính đến các phương án hỗ trợ khác.

Bà Diệu Thuý đề xuất TP.HCM nên vận động chủ nhà trọ miễn 100% tiền thuê nhà cho người lao động, công nhân mất việc làm thì mới mong giữ chân được người lao động. Bà Thuý ví dụ nếu như thuê một nhà trọ 3 triệu/tháng, giờ nếu chỉ vận động giảm 50% thì vẫn còn 1,5 triệu đồng/tháng.

Số tiền này các công nhân, người lao động kiếm đâu ra trong bối cảnh mất việc 2 tháng. Ngoài ra, cần phải quan tâm, hỗ trợ người lao động an tâm ở lại TP chống dịch bằng những giải pháp khác như giảm giá tiền điện, tiền nước… đến mức thấp nhất có thể.

Người dân về quê khi dịch bệnh kéo dài. Ảnh: HÀ KHÁNH

TP.HCM xác định những người dân các tỉnh, thành đến TP.HCM sinh sống và đóng góp cho sự phát triển của TP là một thành tố rất quan trọng. Vì thế, để có thể giữ chân được người lao động ngoài tỉnh trong bối cảnh hiện nay, TP cần tính toán đến những giải pháp lâu dài, thiết thực, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân ở nhiều mặt của cuộc sống chứ không chỉ đơn thuần chỉ là chăm lo bữa ăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới