Sở GTVT TP.HCM cho biết Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: Đến năm 2026 hoàn thành đường vành đai 3 TP.HCM; năm 2030 hoàn thành đường vành đai 4 TP.HCM và các dự án cao tốc, liên kết vùng. Theo đó, để hoàn thành các dự án trọng điểm, ngành giao thông cần bổ sung nguồn vốn.
TP.HCM cần thêm 72.000 tỉ đồng cho các dự án giao thông trọng điểm. Ảnh: ĐT |
Hàng loạt dự án trọng điểm chờ vốn
Sở GTVT TP cho biết bên cạnh các dự án đường vành đai mang tính chất liên kết vùng, TP cần tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt như: Các cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành; nâng cấp các cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; đầu tư tuyến đường sắt đô thị TP.HCM…
Sở GTVT cho biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tập trung ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá hơn nữa về hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại; tập trung xây dựng hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn. Bên cạnh đó, phát triển đường trên cao, đường cao tốc, luồng tàu biển để phát huy tối đa tiềm lực kinh tế biển của TP và cả vùng.
Theo đó, UBND TP đã phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2030, tổng chiều dài đường dự kiến đầu tư khoảng 454 km, bao gồm đường cao tốc, vành đai, quốc lộ và các tuyến giao thông trục chính, cầu lớn… Tổng kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 là 266.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TP là 92.000 tỉ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư là 174.000 tỉ đồng.
Theo Sở GTVT, hiện nguồn vốn còn hạn chế, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được TP bố trí trong lĩnh vực giao thông là 52.744 tỉ đồng, đạt 18,8% so với tổng nhu cầu vốn. Số vốn này chưa đáp ứng để thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo chỉ tiêu đã đề ra.
Theo đó, để triển khai có hiệu quả, đặc biệt là theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Sở GTVT kiến nghị UBND TP xem xét, chỉ đạo Sở KH&ĐT, Sở Tài chính bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách TP. Bên cạnh đó, thực hiện các giải pháp huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trong giai đoạn này.
Hiện tỉ lệ vốn bố trí cho ngành giao thông TP.HCM giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 18,8% so với tổng nhu cầu vốn nên chưa thể đáp ứng kế hoạch đầu tư và phát triển.
Sẽ được đầu tư giao thông xứng tầm
Theo đó, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP bố trí gần 72.000 tỉ đồng cho 61 dự án giao thông đường bộ, 27 dự án giao thông đường thủy và hai chương trình đầu tư. Trong tổng số vốn đề xuất, ngành giao thông dự tính bố trí hơn 66.800 tỉ đồng cho 61 dự án đường bộ và 1.700 tỉ đồng thực hiện hai chương trình đầu tư công.
Chương trình đầu tiên được đề xuất bổ sung vốn trung hạn có nội dung tăng cường năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn TP (giai đoạn 2022-2025). Chương trình này sẽ thực hiện khoảng 140 dự án thành phần để thực hiện đầu tư bổ sung, thay thế các công trình có quy mô nhỏ, cầu vượt bộ hành, camera giám sát giao thông, cải tạo các điểm dừng xe buýt. Chương trình này dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2023.
Chương trình thứ hai là thực hiện chống sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn TP (giai đoạn 2022-2025). Chương trình này sẽ thực hiện các giải pháp nhằm chống sạt lở đối với 25 vị trí trên các tuyến sông, kênh rạch do Sở GTVT quản lý.
Sở GTVT cũng đề xuất bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho 27 dự án đường thủy. Các dự án này chủ yếu là các dự án nạo vét, chống sạt lở lớn do Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP (Ban giao thông) làm chủ đầu tư. Đơn cử như chống sạt lở bờ phải thượng lưu sông Chợ Đệm - Bến Lức; chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Long Kiểng; khơi thông tuyến đường thủy nối Sài Gòn - Đồng Nai, nạo vét thông tuyến rạch Ông Nhiêu…
Hơn 3.100 tỉ đồng còn lại sẽ đầu tư các công trình xây kè, chống sạt lở và nạo vét luồng đường thủy. Riêng các dự án đường sắt đô thị ở TP sẽ được rà soát và đề xuất sau.
Lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết thời gian tới, ngành giao thông cần một nguồn vốn khổng lồ để hoàn thiện hạ tầng giao thông TP. Theo đó, ngay từ bây giờ cần sớm cân đối, bố trí vốn để phát triển giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, cho biết: Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặc biệt chú trọng tới ngành giao thông.
Có thể thấy đây không phải là một áp lực với TP.HCM và các địa phương, ngược lại đây lại là một tin vui cho TP. Thời gian tới, TP.HCM và Đông Nam bộ sẽ được đầu tư xứng tầm với nhiều dự án liên kết vùng, khơi thông các tuyến giao thông trong vùng và ĐBSCL.•
Phát triển thêm 652 km đường bộ trong 10 năm tới
Năm 2021, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2030. Tổng mức đầu tư dự kiến là 970.654 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 399.729 tỉ đồng, nguồn vốn khác (trung ương, ODA, PPP...) khoảng 570.925 tỉ đồng.
TP.HCM đặt mục tiêu trong 10 năm (2020-2030) sẽ phát triển thêm 652 km đường bộ; 211 km đường sắt, BRT và 365 km đường thủy nội địa. Bên cạnh đó là xây dựng 81 dự án cầu lớn, 15 nút giao thông lớn, 31 dự án giao thông tĩnh. Đồng thời triển khai bảy dự án thuộc chương trình đô thị thông minh và đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường cao tốc, quốc lộ kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam theo quy hoạch được phê duyệt.