TP.HCM sắp phát triển hệ thống giao thông xanh

(PLO)- Để kiểm soát khí thải trong lĩnh vực giao thông, TP sẽ thực hiện chuyển đổi xe buýt chạy bằng diesel sang chạy điện hoặc CNG, xây dựng các chính sách ưu tiên đối với ô tô, xe máy chạy điện…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thống kê, mỗi năm hoạt động giao thông vận tải phát thải tới hàng chục ngàn tấn khí CO2 trên phạm vi cả nước. Trong đó, lượng khí phát thải nhà kính của lĩnh vực vận tải đường bộ chiếm tỉ lệ lớn so với các lĩnh vực còn lại. Chính vì vậy, thời gian qua TP.HCM đã từng bước triển khai nhiều biện pháp để quản lý.

Năm 2030 sẽ giảm 10% phát thải

Theo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, TP.HCM đưa ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp (phát triển bền vững hoặc giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế).

Để đạt mục tiêu trên, Sở TN&MT TP.HCM đã tích cực chuẩn bị các bước để cùng các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện các bước kiểm kê, báo cáo và xây dựng kế hoạch cắt giảm phát thải khí nhà kính theo yêu cầu của Chính phủ.

Một trong những chương trình của TP để giảm khí thải là nghiên cứu các giải pháp thay thế, dùng nhiên liệu sạch cho các phương tiện giao thông, do hoạt động giao thông chiếm tỉ lệ phát thải lớn so với các lĩnh vực còn lại. Cụ thể, TP sẽ thực hiện chuyển đổi xe buýt chạy bằng diesel sang chạy điện hoặc CNG; xây dựng các chính sách ưu tiên đối với ô tô, xe máy chạy điện; triển khai các dịch vụ xe đạp điện nơi công cộng, hạn chế hoạt động của mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh…

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, đánh giá một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phát thải gây ô nhiễm không khí có thể kể đến là hoạt động giao thông. Do đó, việc quản lý lượng khí phát thải nhà kính trong lĩnh vực này là vô cùng cần thiết.

Từ năm 2025 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Từ năm 2025 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh.
Ảnh: NGUYỄN CHÂU

100% xe buýt đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh

Theo báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mêtan của ngành GTVT với mục tiêu “Phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050”. Trong đó có lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với lĩnh vực giao thông đô thị.

Cụ thể, từ năm 2025 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỉ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45%-50%, TP.HCM đạt 25%, Đà Nẵng đạt 25%-35%, Cần Thơ đạt 20%, Hải Phòng đạt 10%-15%, đô thị loại I đạt ít nhất 5%.

Từ năm 2030 tỉ lệ xe sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050 100% xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.

Theo đó, Sở GTVT TP giao Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và Trung tâm Quản lý giao thông công cộng nghiên cứu và triển khai nhằm xây dựng phương án kinh doanh, đầu tư, thay thế xe cho phù hợp với lộ trình.

Đồng thời, Sở GTVT TP giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng khẩn trương tham mưu sở thực hiện xây dựng định mức dự toán, đơn giá cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện nhằm đảm bảo đầy đủ pháp lý phục vụ công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định của pháp luật hiện hành khi đưa xe buýt điện vào khai thác (theo lộ trình bắt đầu từ năm 2025).•

Đề nghị nhân viên, công chức tăng cường đi xe buýt

Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi các sở, cơ quan, ban ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức đề nghị hỗ trợ phối hợp tổ chức tuyên truyền phát động công chức, viên chức, người lao động đi xe buýt và tham gia sử dụng ứng dụng “Nào ta cùng buýt”.

Theo đó, sở này đề nghị các sở, cơ quan, ban ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức căn cứ tình hình thực tế, địa bàn quản lý của địa phương, đơn vị hỗ trợ phối hợp triển khai thực hiện tuyên truyền cho công chức, viên chức, người lao động tham gia giao thông bằng xe buýt. Đồng thời, sử dụng ứng dụng Go!Bus khi tham gia giao thông bằng xe buýt.

Chương trình này nhằm thực hiện Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm