TP.HCM: Chính thức vận hành Trung tâm Đào tạo điện tử Quốc tế

(PLO)- Trung tâm Đào tạo điện tử Quốc tế là trung tâm đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm điện tử.

Sáng 25-3, Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao và Công ty cổ phần Tập đoàn Sun Electronics đã tổ chức Lễ ra mắt, đưa vào vận hành mô hình Trung tâm Đào tạo điện tử Quốc tế (IETC).

Đây là trung tâm đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, nhằm đào tạo nhân lực trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm điện tử có năng lực phát triển các sản phẩm điện tử, vận hành các nhà máy điện tử có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ cung cấp các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn IPC, tiêu chuẩn được áp dụng rộng rãi bởi các tập đoàn công nghệ thế giới; Các chương trình đào tạo quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử theo tiêu chuẩn IPC; Các chương trình đào tạo thiết kế sản phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế.

Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và quan khách tham quan trung tâm tại lễ ra mắt. Ảnh: BTC

Phát biểu tại lễ ra mắt, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chúc mừng và ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia để hình thành nên trung tâm này. TP.HCM nghiên cứu và sẽ có cơ chế chính sách để hỗ trợ cho trung tâm hoạt động hiệu quả trong thời gian tới.

Ông Mãi cho rằng TP.HCM xác định công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn là một ưu tiên tập trung phát triển trong thời gian sắp tới. TP chọn cách tiếp cận đột phá là đi thẳng vào thiết kế sản phẩm, thiết kế chip và TP đã có sự chuẩn bị cả về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị.

Theo ông Mãi, hiện TP đang đề nghị Quốc hội sẽ có Nghị quyết về cơ chế đột phá của TP.HCM. Trong đó có những nội dung liên quan trực tiếp đến phát triển công nghiệp điện tử, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Nếu Nghị quyết này được thông qua sẽ mở đường cho TP phát triển các hoạt động này.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho hay TP cũng đang rà soát lại để có chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TP có kế hoạch đào tạo nhân lực trình độ quốc tế cho 8 ngành chủ lực của TP, trong đó có ngành liên quan đến công nghiệp điện tử.

Hiện TP có hơn 60 trường ĐH nên ông Mãi mong rằng rất cần thêm sự kết nối giữa trung tâm này và các cơ sở đào tạo để chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tốt nhất.

Ông Mãi cũng kiến nghị trung ương nên sớm có chiến lược, chính sách quốc gia, trong đó cho phép TP.HCM được thí điểm cao nhất để cùng với quốc gia xây dựng trung tâm công nghiệp điện tử.

Tham dự tại buổi lễ, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước để tiếp tục cụ thể hóa và hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề nghị Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM tiếp tục triển khai có hiệu quả việc hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức để thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo nhằm không ngừng nâng cao tiềm lực, năng lực của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ, các viện nghiên cứu, các trường đại học và đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này” – Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Trung tâm IETC và Công ty cổ phần Tập đoàn Sun Electronics cũng ký kết các hợp tác với các đối tác để áp dụng chipset của các công ty này trong hoạt động đào tạo, thiết kế sản phẩm tại trung tâm và triển khai mô hình này tại Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới