TP.HCM có thể mở rộng mặt hàng tham gia bình ổn thị trường

(PLO)- Chương trình bình ổn thị trường được TP.HCM triển khai 20 năm nay, hiệu quả của chương trình được trung ương, địa phương đánh giá cao
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-8, Thường trực HĐND TP.HCM phối hợp với Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) tổ chức chương trình Đối thoại cùng chính quyền Thành phố với chủ đề Kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart (Saigon Co.op) cho biết, hưởng ứng các chương trình hành động của thành phố, ngay từ đầu năm Saigon Co.op đã lên kế hoạch huy động và dự trữ nguồn hàng hóa.

Hàng loạt các hợp đồng cung cấp hàng hóa ổn định giá cả dài hạn đã được ký kết, một lượng lớn chín nhóm hàng nhu yếu bình ổn giá đã được chốt và dự phòng cho đến cuối năm.

Trong 7 tháng đầu năm, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op đã thực hiện hơn 14 chương trình khuyến mãi, mỗi chương trình có hơn 20.000 nhu yếu giảm giá đến 50%.

Người dân mua sắm ở siêu thị.

Người dân mua sắm ở siêu thị.

Bạn nghe đài đặt câu hỏi, hiện nay người dân đang đối mặt áp lực giá cả tăng cao, chương trình bình ổn thị trường (BOTT) ý nghĩa gì đối với mục tiêu kìm chế lạm phát.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, chương trình BOTT được TP.HCM triển khai 20 năm nay, hiệu quả của chương trình được Bộ ngành trung ương, địa phương đánh giá cao. Đặc biệt, phát huy hiệu quả trong những tình huống thị trường biến động.

Trong dịch bệnh, việc cung ứng hàng hóa bị đảo lộn, lực lượng chính hỗ trợ chính quyền thành phố cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu đến người dân chủ lực vẫn là doanh nghiệp BOTT.

Ông Phương cho biết, trong quá trình xây dựng, vận hành chương trình BOTT, các cấp chính quyền tính toán, nghiên cứu kĩ triển khai hiệu quả nhất.

“Chúng tôi tính toán nhu cầu tiêu dùng của 10 triệu dân thành phố tập trung vào hàng hóa thiết yếu, chương trình được thiết kế để có nguồn hàng đảm bảo đáp ứng được nhu cầu này. Thêm nữa, tên của chương trình là “bình ổn thị trường”, không can thiệp vào giá cả, không tác động để làm giá thấp xuống ”- ông Phương nói.

Tuy nhiên, khi giá cả thị trường biến động đời sống của người thu nhập thấp sẽ bị tác động đầu tiên. Do đó, giữ giá cả ổn định rất quan trọng.

Ông Phương chia sẻ thêm, qua dịch bệnh vừa rồi có ý kiến cho rằng liệu chương trình BOTT có hiệu quả hay không khi trên quầy kệ của các hệ thống phân phối đôi lúc trống hàng.

“Chúng tôi khẳng định, chương trình này thiết kế dựa trên tính toán để đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân chứ không phải đáp ứng cho nhu cầu dự trữ hàng hóa. Nếu 10 triệu dân đồng loạt mua sắm dự trữ rõ ràng sẽ xảy ra tình trạng thiếu cục bộ”- ông Phương nói.

Bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM cho biết, qua trao đổi của lãnh đạo của Sở Công Thương, Sở Du lịch, Saigon Co.op các đơn vị triển khai quyết liệt hiệu quả các chính sách, các giải pháp làm tiền đề vững chắc cho kinh tế TP.HCM tiếp tục phục hồi, tăng tốc trở lại.

Theo bà Ngọc, để hướng đến đạt được mục tiêu như chủ đề 2022 của TP.HCM đề ra rất cần sự đồng hành các cấp, các ngành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Bà đề nghị Sở Công Thương tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các tỉnh thành khai thác và chủ động nguồn cung; đề xuất mở rộng thêm các mặt hàng, nhóm hàng BOTT gắn với thực hiện hiện quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Qua đó, góp phần hạn chế tăng giá, kìm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Chương trình BOTT cần quan tâm lưu ý trong một số tình huống đặc thù làm sao đảm bảo nguồn hàng lưu thông, tiết kiệm chi phí, vận hành hiệu quả hoạt động phân phối.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm