TP.HCM đang xử lý 11 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật

(PLO)- Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị các cơ quan tập trung xử lý 11 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật vì việc này vì ảnh hưởng đến chỉ số cải cách hành chính của TP.HCM,

Ngày 31-10, tại phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 10 của UBND TP.HCM, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã thông tin về việc xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.

Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Thị Hồng Hạnh đã thông tin về việc xử lý văn bản trái pháp luật. Ảnh: TTBC

Theo bà Hạnh, hồi đầu tháng 10-2024, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp đã ban hành kết luận kiểm tra, xác định TP.HCM có 11 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật và 9 văn bản đề nghị TP.HCM tự kiểm tra và xử lý.

Vừa qua, Sở Tư pháp đã gửi văn bản đề nghị các cơ quan tập trung xử lý. Theo bà, lãnh đạo UBND TP.HCM chỉ đạo rất quyết liệt việc này vì ảnh hưởng đến chỉ số cải cách hành chính.

“Nếu trong kỳ chấm điểm cải cách hành chính mà chúng ta kịp thời xử lý ngay văn bản theo kết luận kiểm tra thì sẽ không bị trừ điểm về thể chế, còn nếu sót văn bản nào chưa xử lý kịp thì sẽ bị trừ điểm”- bà Hạnh nói và cho biết năm nay, TP.HCM có nhiều văn bản phải xử lý nhất vì chu kỳ kiểm tra thường 5-6 năm/lần.

Mới đây, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng làm việc với Sở NN&PTNT, Sở TT&TT và Sở Tư pháp liên quan đến một văn bản khác nữa nên số lượng văn bản cần xử lý rất nhiều.

Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị các cơ quan, đơn vị tập trung xử lý, nhất là hai văn bản cá biệt có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Sở Công thương và Sở Xây dựng.

Theo bà Hạnh, Sở TT&TT cũng vừa xử lý rất nhanh một văn bản cá biệt. Bà nhìn nhận văn bản cá biệt có thể được xử lý rất nhanh vì không theo trình tự, thủ tục ban hành văn bản.

Đối với 9 văn bản vi phạm pháp luật còn lại, bà Hạnh cho biết việc xử lý có tiến độ vì phải theo quy trình ban hành văn bản. Đối với văn bản đề nghị bãi bỏ, bà đề nghị các cơ quan cân nhắc thực hiện theo quy trình rút gọn để đẩy nhanh việc lấy ý kiến các cơ quan, kịp tiến độ chấm điểm chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index).

Cũng theo bà Hạnh, hiện có năm sở có liên quan đến 11 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, đã phản hồi về Sở Tư pháp nhưng tiến độ đề ra rất chậm. “Ví dụ như một văn bản dự thảo bước 1 gửi qua UBND TP.HCM, để một tuần mới chuyển về Sở Tư pháp, rồi một tuần mới chuyển lại cho Văn phòng UBND TP.HCM” – bà Hạnh nói và mong Văn phòng UBND TP gửi ngay văn bản của các Sở về cho Sở Tư pháp. Phía Sở Tư pháp cũng không chờ văn bản chuyển từ Văn phòng UBND TP.HCM mà sẽ có ý kiến ngay.

“Như vậy trong vòng 2 – 3 ngày sẽ xong bước một, tương tự bước 2 sẽ rất nhanh. Nếu rút tiến độ từng bước thì sẽ kịp để đến đầu tháng 12-2024 chấm điểm PAR-Index” – bà Hạnh nói.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết các văn bản mà Bộ Tư pháp chỉ ra thuộc hai trường hợp.

Một là văn bản quy phạm pháp luật chưa tuân thủ trình tự, thủ tục ban hành văn bản, sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Hai là văn bản cá biệt nhưng mang nội hàm của văn bản quy phạm pháp luật, cần phải điều chỉnh.

Hiện vấn đề này Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đang chỉ đạo quyết liệt, các sở, ngành cần chú ý thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới