Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu điện thế giới sẽ tăng lên 70% vào năm 2040, chủ yếu do các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á. Do vậy việc phát triển năng lượng sạch là điều quan trọng để chống lại biến đổi khí hậu.
Phát triển năng lượng sạch, tái tạo
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP đã đến thăm, làm việc tại bãi chôn lấp Gò Cát (ảnh). Tại đây đang thực hiện đề án thử nghiệm xử lý rác thải công nghiệp thành điện năng do Công ty TNHH Thủy Lực – Máy và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM phối hợp đầu tư xây dựng.
Ảnh: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã báo cáo toàn bộ tình hình hiện trạng của bãi chôn lấp Gò Cát. Theo đó, Bãi rác Gò Cát đóng cửa từ năm 2007 và tổng lượng rác đang chôn lấp là 5,3 triệu tấn. Nơi đây vào năm 2005 được Chính phủ Hà Lan hỗ trợ xây dựng hệ thống thu khí phát điện để hòa lưới điện quốc gia. Trạm điện thực hiện thu khí mê tan từ bãi rác để phát điện.
Phát huy kết quả đạt được, đầu năm 2017, nhà đầu tư đã đề xuất với UBND TP.HCM thực hiện đề án thực nghiệm Xây dựng nhà máy Điện - Rác Gò Cát, chuyển hóa chất thải rắn công nghiệp thành năng lượng xanh (điện rác) tại Khu xử lý chất thải rắn Gò Cát nhằm hòa lưới điện quốc gia (trung thế) 3.500V hoặc 6.600V. Đề án này sử dụng hoàn toàn công nghệ của Việt Nam.
Biến rác thành điện
Ngay khi được UBND TPHCM có chủ trương thử nghiệm, tháng 2-2017, đề án bắt đầu triển khai thực hiện. Sau khi nghe các đơn vị báo cáo tình hình hoạt động của hệ thống thử nghiệm, Phó chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa gợi ý ngoài việc phát huy những kết quả đạt được, nhà đầu tư cần nghiên cứu thêm xử lý rác thải sinh hoạt hoặc rác thải sinh hoạt đã qua chôn lấp để sản xuất điện. Với rác thải đã qua chôn lấp, có thể tiến hành lập đề xuất dự án, trình phương án thử nghiệm trước với lượng rác thải đang chôn lấp tại Gò Cát.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở ngành liên quan thành lập hội đồng khoa học thành phố đánh giá hiệu quả công nghệ điện rác đang thực nghiệm. Mặt khác, nhà đầu tư có thể lập đề xuất dự án cụ thể, trình dự án để các Sở ngành thành phố thẩm định, xem xét việc xử lý rác thải sinh hoạt để phát điện với công suất chuyển hoá 1.000 tấn rác sinh hoạt/ngày thành khoảng 20MW điện. Ông Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo các đơn vị đầu tư phải nghiên cứu kỹ công tác quản lý quá trình vận hành, xử lý rác thải sinh hoạt quy mô khoảng 1.000 tấn/ngày, khác hoàn toàn so với quy mô thử nghiệm hiện nay, cần phải đảm bảo không để phát sinh ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.
2014 là năm nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận. Nhiệt độ trái đất đã tăng trung bình 0,85°C kể từ cuối thế kỷ 19. Trong khi đó, khoảng 1,1 tỷ người (17% dân số thế giới) không có điện. Tương tự, 2,7 tỷ người (38% dân số) sử dụng nhiên liệu có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ để nấu ăn, chiếu sáng... Nhận thức được nguy cơ đang phải đối mặt, các quốc gia trên thế giới ngày càng chú trọng hơn trong việc sử dụng năng lượng sạch, tái tạo. Tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra tại Pháp tháng 12-2015, gần 200 quốc gia ký kết đã cam kết giảm lượng khí thải để nhiệt độ trung bình trái đất thấp hơn 2°C và giới hạn mức tăng ở nhiệt độ 1,5°C. Thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực vào năm 2020.
Sở TN&MT TP.HCM vừa thông báo về chương trình tập huấn “Chiến lược phát triển năng lượng sạch” do Quỹ hợp tác phát triển quốc tế Đài Loan tổ chức. Theo đó, chương trình gồm khóa tập huấn về Chiến lược phát triển năng lượng sạch, thời gian từ ngày 12 đến 25-10, thời hạn đăng ký trước 13-8; Quản lý và vận dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế, thời gian từ 27-10 đến 9-11, thời hạn đăng ký trước 27-8; Đơn giản hóa thủ tục thương mại, thời gian từ ngày 2 đến 15-11, thời hạn đăng ký trước 3-9. |