TP.HCM đưa ra 5 nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư

(PLO)- TP.HCM mong muốn được hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để TP có thể tiệm cận được với trình độ nhân lực của quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-2, UBND TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm giữa lãnh đạo TP với lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp (DN) nước ngoài.

Tham dự tọa đàm có Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và 25 lãnh đạo sở, ban ngành và các hiệp hội DN nước ngoài trên địa bàn TP.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Thanhuytp.hcm

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao đổi với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.
Ảnh: Thanhuytp.hcm

DN “hiến kế” phát triển môi trường đầu tư

Nêu ý kiến tại buổi tọa đàm, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), nhìn nhận du lịch là một ngành then chốt để phát triển kinh tế TP.HCM. Vì vậy, TP cần đề xuất chính sách miễn thị thực 30 ngày và áp dụng chế độ này cho tất cả công dân thuộc quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU).

Ông Alain Cany cũng phản ánh nhiều chuyên gia nước ngoài đang gặp khó trong việc xin giấy phép lao động tại TP vì vướng nhiều công đoạn phức tạp liên quan đến giấy tờ. “Đơn giản hóa thủ tục này sẽ tạo điều kiện và thu hút các chuyên gia nước ngoài, người lao động chất lượng cao đến TP” - đại diện EuroCham nói và kiến nghị TP.HCM nên áp dụng công nghệ số vào các thủ tục hành chính, bỏ hẳn thủ tục giấy tờ bảng cứng để tăng hiệu suất quản lý.

Trong khi đó, ông John Rockhold, Giám đốc điều hành Hiệp hội DN Hoa Kỳ Việt Nam (AmCham) tại TP.HCM, gửi đến lãnh đạo TP tám kiến nghị. Cụ thể, nâng cao cải thiện môi trường đầu tư; cải thiện chất lượng môi trường; phát triển chuỗi cung ứng và sản xuất giá trị cao, thúc đẩy nội địa hóa chuỗi cung ứng; đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; đầu tư chuyển đổi số; phát triển lực lượng lao động mang tính cạnh tranh toàn cầu; cải cách thị trường vốn; đơn giản hóa chính sách thị thực.

Trong đó, ông John Rockhold nhấn mạnh TP cần có giải pháp đầu tư hạ tầng kết nối giao thông trải dài từ Bình Dương và Đồng Nai ở phía Bắc đến Bà Rịa-Vũng Tàu ở phía Nam. “Việc này sẽ giảm bớt sự ùn tắc của TP.HCM và tạo cơ hội để tăng sản lượng công nghiệp trên khắp miền Nam” - ông John Rockhold nói.

Ông Michael D’Ercole, Chủ tịch Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam, cũng đồng tình về vấn đề này. “TP nên cải thiện hạ tầng giao thông và môi trường sống. Điều này sẽ giúp thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến từ châu Âu” - ông Michael D’Ercole khẳng định.

Đại diện Phòng Thương mại Ý nói thêm TP cần khắc phục thủ tục, các khâu vướng mắc về hải quan. Bởi trong thực tế, DN của ông đã gặp trường hợp những mẫu hàng gửi về từ nước ngoài bị kẹt ở khâu hải quan và mất thời gian dài để giải quyết. “Việc này gây đình trệ sản xuất trong các DN” - ông Michael D’Ercole phản ánh.

Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện hạ tầng giao thông cũng như môi trường sống sẽ giúp thu hút nhiều hơn nhà đầu tư đến với TP.HCM.

Năm nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư

Trả lời kiến nghị của đại diện DN nước ngoài, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ tiếp thu các ý kiến và sớm triển khai, khắc phục ngay trong năm 2023. Ông Mãi cũng đặt ra năm nhiệm vụ cụ thể để thực hiện được việc này.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Đầu tiên, TP tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong dài hạn, TP.HCM sẽ đầu tư 50% kinh phí ngân sách cho các dự án giao thông, trong ngắn hạn năm 2023 là 70%.

Thứ hai, TP tập trung xây dựng thể chế, chính sách phát triển TP. Chủ tịch Phan Văn Mãi thông tin tháng 5-2023 Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đột phá phát triển cho TP.HCM. Trong đó có cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị, đất đai, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là cơ chế phân cấp, phân quyền để TP.HCM chủ động hơn trong việc giải quyết thủ tục, khơi dậy tiềm năng, nguồn lực phát triển TP.

Người đứng đầu chính quyền TP khẳng định nguồn lực ngoài ngân sách, nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng. “Về vấn đề thị thực, giấy phép lao động... có những vấn đề mà chúng tôi phải xin ý kiến trung ương nhưng TP sẽ tích cực đeo bám” - ông Mãi nói.

Thứ ba, về đào tạo nguồn nhân lực, chủ tịch UBND TP.HCM mong muốn được hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để TP có thể tiệm cận được với trình độ nhân lực của quốc tế.

Thứ tư, về chuyển đổi số gắn với môi trường đầu tư, TP xác định sẽ tập trung chuyển đổi số trên ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cuối cùng là vấn đề về cải thiện môi trường sống. “Đây cũng là vấn đề mà TP đã nhận diện và sẽ tập cải thiện, giải quyết” - ông Mãi khẳng định.

Rút ngắn thời gian cấp giấy phép lao động
cho người nước ngoài

Trả lời kiến nghị về thủ tục cấp giấy phép lao động, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Nguyễn Văn Lâm cho biết tất cả quy trình được thực hiện theo Nghị định 152/2020 quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Do đó, sở sẽ tiếp thu và có kiến nghị đến trung ương, sửa đổi, bổ sung.

Ông Lâm thông tin đối với giấy phép cấp mới, trước đây quy định cấp trong vòng 14 ngày nhưng theo chỉ đạo của TP, sở đã rút ngắn còn bảy ngày. Trong trường hợp cấp bách thì có thể cấp ngay trong ngày.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH rút ngắn hơn thời gian cấp giấy phép lao động xuống tối đa còn ba ngày và tăng cường số hồ sơ giải quyết trong ngày bằng hồ sơ điện tử.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm