Đại biểu kiến nghị gỡ vướng cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng

(PLO)- Các đại biểu kiến nghị cần gỡ vướng cơ chế, chính sách về phát triển năng lượng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 22-2, Đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã tổ chức giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2021” với các sở, ban ngành và quận, huyện trên địa bàn.

Tại buổi giám sát, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nêu thực tế nếu trước kia các thương nhân phân phối xăng dầu được mua nhiên liệu từ nhiều nguồn thì hiện nay chỉ được mua tối đa ba đầu mối hoặc từ thương nhân phân phối trên hợp đồng mua bán.

“Điều này ảnh hưởng đến việc chủ động nguồn cung và chưa đảm bảo tính cạnh tranh, phát sinh nhiều hệ luỵ như lãng phí kho bãi...”- bà Lệ nhận định và đề nghị các đơn vị liên quan cần có giải pháp hợp lý để đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nêu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: PHƯƠNG ĐẶNG

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nêu ý kiến tại buổi giám sát. Ảnh: PHƯƠNG ĐẶNG

Bàn về vấn đề phát triển điện năng lượng mặt trời, bà Nguyễn Thị Lệ kiến nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan sớm có chính sách lâu dài để đảm bảo việc quyền và lợi ích của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, cần quan tâm xử lý và tái chế tấm pin năng lượng mặt trời và phát triển phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch.

Tại buổi giám sát, các đại biểu cũng đặt nhiều vấn đề liên quan đến nguồn cung ứng xăng dầu, kế hoạch điều chỉnh giá xăng dầu, phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo trên địa bàn TP.HCM. Cùng với đó là vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và các cơ chế, chính sách để phát triển năng lượng.

Nêu ý kiến tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực II (Petrolimex Sài Gòn) Trịnh Quốc Việt, kiến nghị Đoàn ĐBQH TP.HCM quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ công ty sớm hoàn tất thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện, hỗ trợ ổn định hoạt động kinh doanh của các cửa hàng xăng dầu hiện có của công ty nhằm hạn chế ảnh hưởng đến vai trò bình ổn thị trường, đảm bảo an ninh năng lượng và hoạt động kinh doanh của đơn vị.

Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: PHƯƠNG ĐẶNG

Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: PHƯƠNG ĐẶNG

Về phát triển điện mặt trời, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM Bùi Hải Thành nhìn nhận, điện mặt trời mái nhà là nguồn điện sạch, đem lại nhiều lợi ích như tiêu thụ tại chỗ, giảm tổn thất của quá trình truyền tải, phân phối và tận dụng hạ tầng lưới điện hiện có của ngành điện.

Tuy nhiên, do lĩnh vực điện mặt trời quá mới tại Việt Nam, chính sách ra đời trong lúc nhu cầu điện đang căng thẳng khiến hệ thống văn bản, các quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện của các bộ, ngành chưa theo kịp, đặc biệt là các văn bản về quy trình, kỹ thuật, an toàn, bảo vệ môi trường, kinh doanh,…

Ông Thành mong Đoàn ĐBQH sẽ sớm có kiến nghị với TP, Trung ương về việc ban hành chính sách, đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Kết luận buổi giám sát, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Hà Phước Thắng ghi nhận ý kiến, kiến nghị và đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong việc phát triển năng lượng trong thời gian qua.

Ông Thắng đề nghị các đơn vị tiếp tục đầu tư các nguồn lực để tập trung thực hiện kế hoạch phát triển năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các sở, ban, ngành, địa phương để kiến nghị TP.HCM, Trung ương giải quyết các vướng mắc liên quan cơ chế, chính sách pháp luật về phát triển năng lượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm