TP.HCM kiến nghị nhiều cơ chế để thu hút đội ngũ trí thức

(PLO)- Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ huy động đội ngũ trí thức tham gia, cùng giải “bài toán” mà TP đang gặp phải.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 21-2, đoàn công tác của Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã có buổi khảo sát sau 15 năm thực hiện nghị quyết tại TP.HCM.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, thành viên ban chỉ đạo, trưởng đoàn công tác và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi làm việc.

Chảy máu chất xám từ trong hệ thống hành chính công

Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lâm Hùng Tấn cho hay chính sách thu hút mà TP xây dựng cơ bản dựa trên bốn nội dung. Cụ thể là hỗ trợ ban đầu, thu nhập hằng tháng với chuyên gia và người có tài năng đặc biệt; với nhà khoa học có công trình nghiên cứu hiệu quả hưởng mức không quá 1% tổng mức chi cho công trình nghiên cứu và không quá 1 tỉ đồng. Ngoài ra còn có chính sách về nhà ở.

Qua đó, TP thu hút được năm chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại Khu công nghệ cao; Sở KH&CN TP cũng tuyển chọn bốn chuyên gia, nhà khoa học. Dù vậy, số lượng vẫn còn ít, chưa đạt như mong đợi.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: A.DŨNG
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: A.DŨNG

Chính vì vậy, trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND TP đề xuất việc giao cho TP.HCM có quyền quyết định về chế độ, chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê nhìn nhận kết quả thực hiện Nghị quyết 27 tại TP.HCM còn rất khiêm tốn. “Có hiện tượng chảy máu chất xám từ trong hệ thống hành chính công” - ông Khuê nói và cho rằng cần xem xét tổng thể chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” một cách cụ thể, chi tiết, có trọng tâm hơn, phù hợp với điều kiện phát triển mới.

Quy tụ trí thức vào các vấn đề lớn của TP.HCM

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng TP cần nhận thức toàn diện hơn nữa về việc thu hút đội ngũ trí thức để có chủ trương trong hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện.

Ông Mãi nhìn nhận TP.HCM là một đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, không chỉ của cả nước mà của cả khu vực. Vì vậy, phát triển TP phải dựa trên nền kinh tế tri thức, trong đó đội ngũ trí thức là lực lượng quan trọng trên tất cả lĩnh vực. Dù vậy, chủ tịch UBND TP.HCM cũng thừa nhận so với tiềm năng của mình thì TP chưa làm tốt vai trò kết nối đội ngũ trí thức vào công cuộc xây dựng sự phát triển của TP.

Để việc thu hút đội ngũ trí thức thật sự có hiệu quả, ông Mãi cho biết tới đây TP sẽ đề ra chương trình đột phá, trọng điểm. Từ đó, TP sẽ huy động đội ngũ trí thức tham gia vào giải bài toán lớn của TP từ các chương trình, đề án.

Đồng thời, TP cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách để chăm lo cho đội ngũ trí thức. “Quan trọng hơn là cơ chế để họ có thể làm việc ở TP. Cạnh đó là chính sách nhà ở, tiền lương cho đội ngũ này” - ông Mãi nói và cho biết TP đang dự thảo về nội dung này trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.

Ông thông tin thêm, qua buổi làm việc với Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật, TP đã thống nhất một số cơ chế để liên hiệp và các hội thành viên cùng tham gia, trong đó có cơ chế tài chính. TP cũng thống nhất các cơ chế đặt hàng có trọng tâm, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. “Những đầu bài lớn TP cần phải giải thì quy tụ trí thức vào” - chủ tịch TP.HCM nêu quan điểm.

Ghi nhận những kết quả mà TP.HCM đã làm được, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, trưởng đoàn công tác, cho biết đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm xây dựng, hoàn chỉnh đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung. Với những điểm nghẽn, khó khăn cản trở trong quá trình thu hút đội ngũ trí thức của TP.HCM, ông cho biết đoàn sẽ tiếp thu, ghi nhận ý kiến mà TP.HCM đã đề xuất.

TP.HCM có hơn 21.000 người hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ

Phát biểu tại đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho hay sau 15 năm, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ (KHCN) trên địa bàn TP không ngừng tăng về lực lượng và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng TP. TP.HCM hiện có 21.210 người hoạt động trong lĩnh vực KHCN, trong đó có 118 giáo sư, 1.116 phó giáo sư, 6.870 tiến sĩ. TP có 371 tổ chức KHCN, 78 viện nghiên cứu, trên 135 nhóm nghiên cứu và hợp tác quốc tế

Tuy nhiên, theo ông Đức, các chính sách hiện nay chưa thu hút được trí thức. Số lượng chuyên gia, nhà khoa học đã và đang làm việc rất hạn chế, mới chỉ tập trung vào một số ngành nghiên cứu trên phạm vi hẹp… Các chính sách ưu đãi về thu nhập hiện chưa đủ để đảm bảo giữ chân đội ngũ, nhất là nguồn nhân lực có trình độ cao. Từ đó TP.HCM đề xuất trung ương ban hành nghị quyết mới phù hợp với xu thế đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp về KHCN.

TP cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng và ban hành chính sách cải cách tiền lương phù hợp với mức sống và điều kiện đô thị đặc biệt; đảm bảo mức lương và thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức để tạo động lực giữ chân nhân tài. Đồng thời xem xét, điều chỉnh Thông tư 36 của Bộ Tài chính về quy định về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để TP được chủ động sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chất lượng cao, nhất là trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm