Từ thực tiễn đó, lãnh đạo TP luôn là những người đề xuất các sáng kiến đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, các sáng kiến đổi mới kinh tế và đi đầu trong công cuộc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vai trò này của TP.HCM cần tiếp tục được tổng kết, phát huy trong thực tiễn phát triển.
Cụ thể, TP.HCM phải tiếp tục tổng kết tốt các kinh nghiệm và thực tiễn phát triển kinh tế thị trường; phân tích, đánh giá thực trạng và nguyên nhân của các vấn đề đa dạng về xã hội, môi trường. Những điều này chắc chắn sẽ là cơ sở để TP tiếp tục kiến nghị các giải pháp góp phần thực hiện các đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước.
Bởi rõ ràng, tăng trưởng của TP có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng chung của quốc gia. Năm qua, tăng trưởng kinh tế của TP là tương đối cao, đạt mục tiêu đề ra nhưng tôi cho rằng mức tăng trưởng đó còn có thể cao hơn với những tiềm năng của TP.HCM.
Với những lợi thế của mình, nhất là Nghị quyết 54 mà Quốc hội dành cho TP, tôi nghĩ rằng TP cần xác định rõ tầm nhìn về phát triển TP.HCM đến năm 2035, thời điểm kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mục tiêu như lãnh đạo TP đã từng đề cập là: TP.HCM phải trở thành một TP thông minh, hiện đại là một mục tiêu chính đáng, hoàn toàn có thể làm được. Nếu TP duy trì được tăng trưởng ở mức cao trong khoảng ít nhất 15 năm 2021-2035 thì chắc chắn TP.HCM sẽ trở thành trung tâm tài chính thương mại khu vực và quốc tế, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; làm đầu tàu thúc đẩy và dẫn dắt phát triển của nền kinh tế quốc gia.
Bên cạnh việc huy động vốn đầu tư phát triển cần phải tương xứng hơn, phân bố và sử dụng vốn đầu tư hợp lý hơn, tôi cho rằng trước mắt TP nên chú trọng việc đổi mới, sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả DNNN. Bởi quy mô DNNN ở TP.HCM hiện là lớn nhất nước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc DNNN ở TP.HCM đang nắm giữ nguồn lực lớn. Tuy vậy, nguồn lực này chưa được khai thác, sử dụng có hiệu quả cao nhất cho phát triển kinh tế TP.
Cùng với đó, TP.HCM cần có chính sách khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân một cách thiết thực và phù hợp hơn. Bởi khác với hầu hết các địa phương khác, khu vực kinh tế tư nhân ở TP.HCM rất mạnh, rất năng động, có mức độ hội nhập rất cao. TP cần đánh giá xác thực hơn về thực trạng phát triển, đóng góp của kinh tế tư nhân vào phát triển kinh tế TP và tạo không gian phát triển tốt nhất cho khu vực kinh tế này.
TP.HCM đã xây dựng và thực hiện bảy chương trình đột phá nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân và phục vụ cho các mục tiêu phát triển trước mắt cũng như lâu dài của TP. Tuy vậy, để tạo ra được những đột phá thực sự, TP cần đánh giá tác động của các chương trình đó đến cuộc sống hằng ngày của người dân. Cụ thể là các chương trình như giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm, giảm ngập và chương trình cải cách hành chính đã tác động như thế nào đến cuộc sống, từ đó có những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa. Bởi chỉ có như vậy thì TP mới tạo ra được những thay đổi đủ lớn về quy mô và đủ nhanh, đủ mạnh về tốc độ trong giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội nổi cộm, để các chương trình đột phá đúng là đột phá trên thực thế.
Cuối cùng, tôi cho rằng với vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước nói chung và của vùng nói riêng, TP cần có giải pháp liên kết, phối hợp giữa TP.HCM với vùng Đông Nam bộ và toàn vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ. Phát triển kinh tế TP hiện nay và mai sau không thể thiếu được sự phối hợp, liên kết chặt chẽ với các vùng có liên quan và chính sự liên kết, phối hợp vùng mới tạo cho không gian rộng mở cho phát triển kinh tế TP.HCM.
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, Viện trưởng Viện nghiên cứu
quản lý kinh tế Trung ương