TP.HCM hỗ trợ chuyển đổi nhà máy truyền thống sang 'nhà máy thông minh'

(PLO)-Theo các chuyên gia, để xây dựng nhà máy thông minh, doanh nghiệp đơn lẻ rất khó làm mà cần có liên kết rộng rãi cùng với sự hỗ trợ chính sách của nhà nước

Ngày 28-8, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cùng các sở ngành tổ chức hội thảo “Giải pháp cho nhà máy thông minh- Smart Factory”.

Các giải pháp công nghệ động lực tăng trưởng mới

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, hội thảo là hoạt động khởi đầu cho một chuỗi sự kiện trong Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 diễn ra vào tháng 9 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”.

Theo ông Hòa, tăng trưởng của TP.HCM nói chung, cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói riêng thời gian qua đã được phát huy và gần như khai thác tối đa. Hiện nay DN muốn tiếp tục phát triển cần tìm thêm động lực mới, trong đó các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nhà máy thông minh… đây là một trong cơ hội.

PGS.TS Thoại Nam, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến liên ngành Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, nhà máy thông minh gắn với làn sóng cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 từ năm 2010 và làn sóng CMCN 5.0 từ năm 2021.

Những công nghệ mới đang được quan tâm trong xây dựng nhà máy thông minh là gắn kết giữa giải pháp công nghệ sản xuất với ứng dụng kỹ thuật số. Trong đó, công nghệ liên quan tới IOT trong công nghiệp (hệ sinh thái bao gồm các thiết bị, cảm biến, ứng dụng và thiết bị mạng liên kết hoạt động cùng nhau...), dữ liệu lớn đặc biệt là trí tuệ nhân tạo. Từ đó, tạo ra cơ hội mới cho những nhà máy sản xuất trên thế giới và cả Việt Nam.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty Cơ khí Duy Khanh cho biết, công ty thực hiện chuyển đổi số từ 5-7 năm trước, đến nay đã phát triển “Nhà máy thông minh” tại Khu Công nghệ cao TP.HCM. Đây là quá trình dài hơi, gian nan đòi hỏi quyết tâm của lãnh đạo DN, đồng hành của cán bộ công nhân viên.

Theo ông Tống, khi triển khai được nhà máy thông minh quá trình quản trị hệ thống, lên kế hoạch sản xuất của DN tốt hơn. “Hiện nay DN không còn nhận những đơn hàng lớn dài hạn mà là các đơn hàng nhỏ, liên tục. Vì vậy, quá trình lên kế hoạch sản xuất là bài toán rất quan trọng với DN. Làm sao kịp tiến độ giao hàng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng… nhà máy thông minh giúp đáp ứng điều kiện này”- ông Tống nói.

nhà máy thông minh 1.jpg
Nhiều doanh nghiệp quan tâm phát triển nhà máy thông minh. Ảnh: TÚ UYÊN

Thách thức phát triển nhà máy thông minh

Ông Tống cho rằng, DN cũng gặp nhiều thách thức trong xây dựng nhà máy thông minh là phải có nguồn lực tài chính, nguồn lực con người. Nếu trong quá trình triển khai không đủ nguồn lực tài chính, yếu tố con người cũng thay đổi, DN có thể bị thất bại.

Theo TS Nam, DN đang quan tâm phát triển nhà máy thông minh chủ yếu các công ty lớn, có đủ tài lực nhưng triển khai ở mức độ vừa phải vì cũng gặp thách thức không nhỏ. Mặt khác, đa số DN Việt quy mô nhỏ và vừa nên thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu hụt vốn, thiếu hụt dữ liệu…

Do đó, để xây dựng nhà máy thông minh DN đơn lẻ rất khó làm mà cần có liên kết rộng rãi. Đặc biệt, cần với chính sách hỗ trợ của nhà nước như đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết 09/2023 về quy định hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển. Trong đó, ưu tiên các mức hỗ trợ lãi vay tùy theo từng nhóm ngành nghề. Riêng bốn ngành công nghiệp trọng yếu và công nghiệp hỗ trợ được vay tối đa 200 tỉ đồng/dự án.

"Với chính sách này thành phố mong muốn hỗ trợ DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ chuyển đổi nhà máy truyền thống sang mô hình nhà máy thông minh. Góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp thành phố ngày càng xanh, sạch và năng suất cao"- bà Ngọc cho biết.

Thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, sản xuất thông minh…

Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phát triển bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm