Nhiều giải pháp phát triển hạ tầng logistics được đưa ra tại buổi tọa đàm “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hoạt động logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu” do Tạp chí Hải quan tổ chức chiều 10-8.
TS Đặng Vũ Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA), cho biết hàng năm, hoạt động quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam đang tạo ra hàng trăm triệu USD doanh thu cho nền kinh tế, tạo ra hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp và nộp thuế hàng trăm tỉ đồng cho các địa phương có cửa khẩu quốc tế mà hàng quá cảnh đi qua.
Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị, trước hết cơ quan hải quan cần phải xác định rõ mục tiêu quản lý hàng quá cảnh là bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ người tiêu dùng trong nước và thúc đẩy sự phát triển của hoạt động logistics trong nước.
Thứ hai, cơ quan hải quan cần xác định rõ ràng trách nhiệm tuân thủ luật pháp Việt Nam của hoạt động vận chuyển quá cảnh theo các cam kết quốc tế về hoạt động vận tải hàng quá cảnh qua lãnh thổ quốc gia cho quá cảnh.
Thứ ba, cơ quan hải quan cần tập trung vào việc giám sát hải quan để đảm bảo hàng quá cảnh được vận chuyển đúng thời gian quy định, đúng tuyến đường quy định và giữ nguyên niêm phong kẹp chì giám sát hải quan từ cửa khẩu nhập cho đến cửa khẩu xuất.
“Cuối cùng, cơ quan hải quan cần xây dựng tiêu chí phân loại rủi ro đối với hoạt động vận chuyển hàng quá cảnh để phân biệt những đơn vị vận tải hàng quá cảnh có uy tín với những doanh nghiệp mới thành lập, có điểm xếp hạng thấp, rủi ro cao nhằm tăng hiệu quả của việc giám sát hải quan đối với hoạt động quá cảnh”- TS Thành góp ý.
Cơ quan hải quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh việc sử dụng trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi thương mại. |
Ông Nguyễn Bắc Hải, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan thông tin thời gian tới, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, quy trình nghiệp vụ, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh việc sử dụng trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi thương mại.
Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kết nối dữ liệu từ các trang thiết bị, máy móc kiểm tra, giám sát hải quan với hệ thống nghiệp vụ hải quan nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về Hải quan toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Tổng cục Hải quan đang xây dựng Đề án mô hình về công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ hướng tới hệ thống Cửa khẩu thông minh. |
Bên cạnh đó, theo ông Hải, Tổng cục hải quan sẽ tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các quốc gia tiên tiến thế giới để triển khai các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi thương mại, giảm thời gian thông quan, thúc đẩy nâng cao hiệu quả, giảm chi phí trong hoạt động logistics của doanh nghiệp nói riêng.
“Cụ thể tập trung xây dựng Đề án mô hình về công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ. Đây là mô hình nhằm hướng tới xây dựng một Hệ thống Cửa khẩu thông minh, biên giới thông minh, phục vụ công tác quản lý nhà nước của các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu biên giới đất liền”- ông Hải nói.
Đề xuất triển khai xây cầu Cát Lái không ảnh hưởng đến cụm cảng
Đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đề xuất những giải pháp về quy hoạch, cơ sở hạ tầng, chính sách để phát triển logistics trong thời gian tới. Cụ thể, Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào xây dựng các cảng hàng, sân bay và các cơ sở kho bãi hiện đại để nâng cao khả năng lưu thông và quản lý hàng hóa. Tăng cường đầu tư vào các tuyến đường vận tải, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy để nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa.
Bên cạnh đó, đơn vị này cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai phát triển các trung tâm logistics của TP.HCM theo quy hoạch hoàn chỉnh, mang tính lâu dài và đồng bộ với các quy hoạch tổng thể. Giao các doanh nghiệp có kinh nghiệm khai thác cảng và cung cấp giải pháp dịch vụ logistics để triển khai các trung tâm này.
Đề xuất đẩy nhanh tiến độ triển khai phát triển các trung tâm logistics của TP.HCM. |
“Đề xuất triển khai xây cầu Cát Lái nối TP HCM và Đồng Nai với quy hoạch phù hợp, vị trí xây cầu không ảnh hưởng tới luồng tàu và hoạt động khai thác hiện hữu của cụm cảng Cát Lái. Quy hoạch phát triển thêm Cầu tàu số 3 tại Terminal Cát Lái C (Công ty CP Tân Cảng Phú Hữu)…”- đại diện Tân Cảng Sài Gòn kiến nghị.