TP.HCM có 2 điểm nghẽn lớn trong phát triển logistics

(PLO)- Chiều 30-9, Sở Công Thương TP.HCM, Hiệp hội Logistics TP.HCM tổ chức diễn đàn logistics TP.HCM lần 1 năm 2022 với chủ đề Vị thế Logistics của TP. TP.HCM từ góc nhìn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Diễn đàn nhằm đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực ngành Logistics TP.HCM. Qua đó, đề xuất các giải pháp xây dựng thành phố trở thành trung tâm dịch vụ logistics phía Nam và kết nối với khu vực.

Điểm nghẽn về nhân lực và hạ tầng

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, hiện có gần 30.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động đăng ký ngành logistics, số DN tại TP.HCM chiếm 54%.

Bình quân mỗi DN có 20 người và với nhu cầu tăng trưởng nhu cầu nhân sự 7,5%/năm, các DN sẽ cần 8.400 - 10.000 lao động/năm. Tuy nhiên, thực tế đào tạo hiện nay chỉ đáp ứng 30% nhu cầu.

Điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, ơ góc độ DN, ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM cho biết, ngành logistics của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung còn bị một điểm nghẽn khác là hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu; đường biển, đường sắt nội địa, đường thủy phát triển chưa tương xứng…

Theo thống kê 54% sản lượng hàng hóa tại Việt Nam được vận tải bằng đường bộ nên cảng Cát Lái và cảng tại quận 7 quá tải hạ tầng xảy ra thường xuyên.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay cũng như những năm sắp tới. Định hướng của Thành phố về phát triển giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển hàng hóa, ùn tắc giao thông xảy ra liên tục ngày càng lớn, tác động đến chi phí logistics, ảnh hưỡng khả năng cạnh tranh của các DN.

Bên cạnh việc tập trung đầu tư cho giao thông đường bộ và đường sắt, các DN kiến nghị thành phố cần thiết nâng cấp cảng biển,

Theo ông Cường năm 2021, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển cả nước khoảng 700 triệu tấn, TP.HCM chiếm 23% với sản lượng 165 triệu tấn.

Trong thống kê phát triển về cảng biển phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu TP.HCM chiếm trên 40%. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng hàng hoá qua cảng biển thành phố vượt 2,63% so với quy hoạch tiếp nhận của năm 2030.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng phát biểu tại diễn đàn Logistics.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng phát biểu tại diễn đàn Logistics.

Kiến nghị quy hoạch cảng nước sâu tại Cần Giờ

“Trong điều kiện hiện nay chúng tôi mạnh dạn kiến nghị thành phố đẩy nhanh bổ sung quy hoạch các cảng biển nước sâu tại khu vực Cần Giờ. Đây là một trong những điều kiện quyết định để TP.HCM tiếp tục duy trì là trung tâm logistics lớn, xây dựng thành công chiến lược TP.HCM trung tâm tài chính quốc tế”- ông Cường nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Bùi Hoà An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết, để có thể đầu tư đồng bộ phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030, thành phố cần hơn 970 ngàn tỉ đồng, đây nguồn vốn lớn.

Do đó, trước mắt thành phố tập trung, ưu tiên triển khai các dự án như vành đai 2, 3 và 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài 2, nút giao An Phú, quốc lộ 50, đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa 3….

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhìn nhận có hai điểm nghẽn lớn đang cản trở sự phát triển logistics.

Cụ thể, về hạ tầng giao thông, vướng mắc hiện nay là hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt là các tuyến đường vành đai kết nối Thành phố với các tỉnh Đông - Tây Nam bộ triển khai còn chậm.

Do đó, giao thương hàng hóa hai chiều giữa thành phố với các tỉnh còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Điểm nghẽn thứ hai là phát triển nguồn nhân lực, hiện nay TP.HCM là nơi tập trung đến 54% tổng số DN cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước.

Tuy nhiên, thực tế mối liên kết giữa hệ thống các trường đào tạo với các DN logistics chưa chặt chẽ. Mặt khác, chất lượng nguồn nhân lực chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của Thành phố.

Bà Thắng cho biết, sau diễn đàn đề nghị Sở Công Thương tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các chuyên gia, các nhà khoa học…nhanh chóng tham mưu UBND TP.HCM các giải pháp để thực hiện ngay. Phát huy đúng mức vai trò của ngành logistics thành phố trong tăng trưởng kinh tế vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và thành phố nói riêng.

Theo bà Thắng, TP.HCM đặt mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Theo đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics đạt 15% vào năm 2025, đạt 20% năm 2030.

Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP.HCM đến năm 2025 đạt 10%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn 10% - 15%.

TP.HCM định hướng phát triển 7 trung tâm logistics

Trung tâm logistics Long Bình là nơi trung chuyển hàng xuất nhập khẩu đến cụm cảng Cái Mép.

Trung tâm logistics Cát Lái tiếp giáp phục vụ hậu cần với cảng Cát Lái, cảng Cái Mép.

Trung tâm logistics Khu công nghệ cao phục vụ hậu cần cảng biển TPHCM, cảng Cái Mép.

Trung tâm logistics Củ Chi phục vụ hậu cần cảng biển TP.HCM, cảng Cái Mép.

Trung tâm logistics Hiệp Phước, phục vụ hậu cần cảng Hiệp Phước.

Trung tâm logistics Linh Trung và Trung tâm logistics Tân Kiên phục vụ hậu cần cho ngành hàng không đường sắt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm