Tìm cách ‘tháo nút thắt’ logistics cho hàng nông sản của ĐBSCL

(PLO)-  Diễn đàn hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL được kỳ vọng sẽ giúp “tháo nút thắt” logistics cho hàng nông sản của vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Tìm cách ‘tháo nút thắt’ logistics cho hàng nông sản của ĐBSCL

Ngày 26-5, UBND TP Cần Thơ, Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với VCCI Cần Thơ, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức diễn đàn Hoàn thiện chuỗi dịch vụ Logistics cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: NHẪN NAM

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: NHẪN NAM

Theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI, ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thuỷ hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.

ĐBSCL mặc dù là trung tâm lớn trong sản xuất nông nghiệp của cả nước nhưng chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản đang là một nút thắt cản trở sự tăng trưởng kinh tế của vùng, cần có những giải pháp để kịp thời cởi nút thắt này –ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI.

Cũng theo ông Công, hiện nay, ĐBSCL hàng năm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khoảng 18 triệu tấn.

Tuy nhiên, vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng. Cạnh đó, hệ thống cảng biển còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu.

Vì vậy, hàng hóa nói chung và hàng nông sản nói riêng phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên TP HCM để xuất đi các nơi. Việc này khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10-40% tùy từng tuyến, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Bên cạnh đó, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải, nên thương gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao như phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chở đợi đều tăng.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong phát biểu tại diễn đàn ngày 26-5. Ảnh: NHẪN NAM

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong phát biểu tại diễn đàn ngày 26-5. Ảnh: NHẪN NAM

Ông Nguyễn Thành Phong – Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, phát triển hệ thống logistics cho nông sản ĐBSCL là một giải pháp cấp bách hiện nay để nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng nông sản Việt Nam nói chung và sự phát triển bển vững cho nông sản ĐBSCL nói riêng.

Điểm lại những thuận lợi và khó khăn của vùng ĐBSCL cũng như những định hướng phát triển của vùng, ông Phong cho rằng điểm đột phá đầu tiên là phát triển hệ thống hạ tầng logistics đồng bộ, hệ thống kết cấu giao thông vận tải đa phương thức kết nối liên vùng và quốc tế, trong đó chú trọng phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa.

Tại diễn đàn hôm nay, các chuyên gia kinh tế, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp sẽ cùng hiến kế, đưa ra các giải pháp để hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics cho nông sản ĐBSCL. PLO sẽ tiếp tục thông tin về các ý kiến này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm