Trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 31 (Vietnam Expo 2022), ngày 14-4, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức buổi tọa đàm Chính sách trong lĩnh vực logistics.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, hiện nay các trung tâm logistics theo kiểu truyền thống đã dần chuyển đổi sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: MINH TRÚC |
Bên cạnh đó, các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 cũng đang được triển khai thực hiện nhằm đạt được mục tiêu giảm chi phí, nâng cao hiệu quả logistics.
Hiện nay các giải pháp thúc đầy ngành logistics cũng đang được thực hiện như phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, kho bãi, tập trung phát triển nguồn nhân lực logistics, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, giảm thiểu các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics…
Ông Phú cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam luôn mong muốn được lắng nghe những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa Hàn Quốc và Việt Nam. “Và trên tinh thần đó, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng quan hệ đầu tư, kinh doanh với Việt Nam trong thời gian tới” – Ông Phú nhấn mạnh.
Kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển đồng bộ sẽ giúp phát triển dịch vụ logistics. Ảnh minh hoa: Cảng Hải Phòng |
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khẳng định, giá cước dịch vụ do các doanh nghiệp quyết định và tạo sự cạnh tranh và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết thêm, Việt Nam là một thị trường cạnh tranh giữa nhiều doanh nghiệp. Do đó, hiện nay các bộ, ngành liên quan đã nỗ lực phối hợp để có sự điều chỉnh tốt nhất, giảm bớt áp lực chi phí cho doanh nghiệp.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã thành lập nhóm công tác liên quan đến các phương thức vận chuyển để đánh giá tác động của giá nhiên liệu tăng, qua đó có giải pháp thích hợp đề xuất Chính phủ và Quốc hội quyết định.
Theo ông Nguyễn Công Bằng cũng, so với thời điểm 3 năm trước, các chi phí về cầu đường đã giảm khá nhiều và để tiếp tục giảm phí là một vấn đề khó bởi liên quan đến các nhà đầu tư cao tốc.
Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng như các bộ, ngành vẫn đang tích cực kết hợp với các nhà đầu tư giảm giá phí cầu đường nhằm tạo thuận lợi cho việc kinh doanh vận tải. “Việc giảm giá phí sẽ diễn ra từ từ khi tình hình dịch COVID-19 và nền kinh tế trong nước được cải thiện phần nào”- Ông Bằng nói.
Năm 2022 là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Sau gần 7 năm thực thi Hiệp định Thương mại song phương - VKFTA, thương mại và đầu tư giữa hai nước đã có bước nhảy vọt mạnh mẽ.
Hiện nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với hơn 9.200 dự án còn hiệu lực, với tổng nguồn vốn lũy kế đến năm 2021 là 74,7 tỉ USD. Doanh nghiệp Hàn Quốc hiện có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam: dịch vụ, logistics, tài chính ngân hàng, may mặc, xây dựng, chế tạo, công nghiệp chế biến… tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động địa phương,...
Ngoài ra, Hàn Quốc hiện còn là đối tác ODA, du lịch, lao động lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ ba với kim ngạch thương mại song phương đạt 78 tỉ USD trong năm 2021.