Yếu tố xanh không chỉ là nhu cầu của Lego mà của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn công nghệ và cũng là yêu cầu của thị trường xuất khẩu hiện nay.
Ngày 21-9, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội Quốc gia Lào, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, Viện Môi trường Hàn Quốc tổ chức hội thảo Thành phố thông minh vì mục tiêu tăng trưởng xanh.
Các đại biểu thảo luận xu hướng phát triển đô thị thông minh gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh tại khu vực và thế giới; thuận lợi thách thức trong phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, Lào, Campuchia; kinh nghiệm phát triển đô thị thông minh gắn với tăng trưởng xanh của Hàn Quốc....
Th.s Nguyễn Ngọc Diễm, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ cho biết, các yếu tố thông minh của đô thị thể hiện rõ ở ba lĩnh vực là dịch vụ, hạ tầng và thiết bị công nghệ.
Đô thị thông minh của Việt Nam đã và đang triển khai trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin và đã đạt được một số kết quả đáng kể.
Hiện nay, các tỉnh thành đang xây dựng đô thị thông minh ở nhiều phạm vi và quy mô khác nhau, trong đó các địa phương đi đầu như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương.
T.S Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương cho biết, xây dựng thành phố thông minh, tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu và tỉnh Bình Dương đã có những chuyển đổi kịp thời.
Từ năm 2015, Bình Dương xác định cần có mô hình tăng trưởng mới từ sản xuất công nghiệp tiến lên sản xuất công nghệ…nên đi học hỏi kinh nghiệm các nước, kết nghĩa học tập với thành phố Eindhoven của Hà Lan về xây dựng thành phố thông minh.
Tuy nhiên, tỉnh không chỉ tập trung xây dựng trung tâm điều hành thành phố thông minh…mà lấy đó làm động lực để bứt phá kinh tế xã hội.
Ngay sau khi triển khai thành phố thông minh, Bình Dương có sự chuyển mình bất ngờ. Đơn cử, giai đoạn 2015-2020 thu hút đầu tư của tỉnh bằng 10 năm trước cộng lại.
“Chìa khóa thành công của chúng tôi xây dựng thành phố thông minh là hợp tác quốc tế, học hỏi quốc tế không chỉ chuyển giao công nghệ mà học hỏi mô hình tăng trưởng…”- ông Long nói.
Theo ông Long, điều mà các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm khi đến đầu tư là vấn đề năng lượng tái tạo, đời sống người lao động, bảo vệ môi trường …Trước đó, với đề án thành phố thông minh thông qua các chương trình tăng trưởng xanh, Bình Dương đã đáp ứng được nhu cầu mới của nhà đầu tư, đặc biệt Lego đã đặt nhà máy hiện đại nhất của tập đoàn này tại tỉnh (vốn hơn 1 tỉ USD-PV).
“Yếu tố xanh không chỉ là nhu cầu của Lego mà của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn công nghệ và cũng là yêu cầu của thị trường xuất khẩu hiện nay”-ông Long nói.
Tuy nhiên, ông Long cho biết một số khó khăn trong phát triển thành phố thông minh làm sao tìm được mô hình, cách tiếp cận phù hợp với tiềm lực, định hướng phát triển kinh tế của địa phương.
Theo Th.s Nguyễn Ngọc Diễm, hệ thống pháp luật hiện hành là một trong những rào cản trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, trọng tâm quản lý đô thị thông minh là quản lý môi trường pháp lý, bảo đảm sự minh bạch…giúp người dân nâng cao chất lượng sống hơn.
“Do đó, cần sự đồng bộ từ chính quyền thông minh, hệ thống pháp lý hoàn chỉnh, hệ thống tài chính ngân hàng hiện đại, hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng, giao thông tốt…”-bà Châu nói.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đề án, đến cuối năm 2022 cả nước có 48/63 tỉnh, thành trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.