Ngày 4/8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM tổ chức chương trình đi bộ đồng hành “Vì nạn nhân chất độc da cam”. Hoạt động được tổ chức tại Công viên văn hóa Đầm Sen (quận 11) với sự hưởng ứng của hơn 5.000 người.
Hoạt động được tổ chức nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin và Kỷ niệm 63 năm Ngày thảm họa da cam/dioxin ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2024).
Hơn 5.000 người đến từ các đơn vị lực lượng vũ trang; học sinh, sinh viên; cựu chiến binh, người khuyết tật; người lao động của các đơn vị, đoàn thể có mặt từ sớm cùng tham gia.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM nhấn mạnh, chương trình là một trong những hoạt động góp chia sẻ, xoa dịu tâm hồn của các nạn nhân chất độc da cam, cùng cố gắng khép lại quá khứ, hướng đến tương lai.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn Hội đã tích cực vận động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam tiền và hiện vật hơn 700 triệu đồng. Đồng thời, Hội cùng các mạnh thường quân, đơn vị xã hội tổ chức thực hiện các chương trình chăm lo cho nạn nhân da cam.
"Hội Cựu chiến binh TP.HCM vận động khoảng 300 thành viên hội cùng hưởng ứng chương trình đi bộ đồng hành “vì nạn nhân chất độc da cam”. Chúng tôi cũng là những người trong cuộc, tham gia để cùng đồng hành, chia sẻ nỗi đau, kêu gọi mọi người cùng chung tay xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân da cam ở thành phố nói riêng, đất nước nói chung. Chương trình là hoạt động thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tinh thần nhân đạo của Đảng và Nhà nước, toàn dân với các nạn nhân chất độc màu da cam.", cựu chiến binh Phùng Thế Vinh nói.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ thông tin thêm, chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm. Từ năm 1975 đến nay, có gần 1 triệu người đã từ trần, còn hơn 3 triệu người là nạn nhân, đi lại rất khó khăn. Thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có hơn 850.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, có 350.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và có khoảng 500 người nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4.
"Bản thân Thủy bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam ngay từ khi mới sinh. Từ nhỏ đã gặp rất nhiều khó khăn từ đi lại, tham gia học tập và việc vượt qua rào cản để bản thân tự tin hòa nhập với cộng đồng là một điều rất khó. Tuy nhiên, nhờ vào sự đồng hành xuyên suốt của gia đình, bạn bè và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội đã tạo thêm cho mình động lực đến cố gắng đến ngày hôm nay.", chị Thủy nói.
Chị Thủy cũng chia sẻ thêm: "Khi biết TP.HCM sẽ xây dựng một “làng cam” nơi tập hợp, hỗ trợ chăm sóc, dạy học cho các nạn nhân chất độc màu da cam của thành phố thì mình cảm thấy rất vui. Vì Thủy tin rằng, khi “làng cam” hình thành sẽ hỗ trợ được rất nhiều người có hoàn cảnh giống như mình có một cuộc sống ổn định hơn."
Dịp này, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), mỗi đơn vị quyên góp 20 sổ tiết kiệm gửi đến các gia đình nạn nhân chất độc da cam khó khăn trên địa bàn TP.HCM. Mỗi sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng, được chuyển trực tiếp đến từng gia đình được hỗ trợ.