Ngày 18-3, tại Bình Phước, UBND TP.HCM chủ trì hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ.
Toàn cảnh hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ. |
Hội nghị có sự tham dự của ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cùng một số lãnh đạo bộ ngành của Trung ương.
Ngoài sự tham dự của lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ (Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu), còn có sự tham sự của lãnh đạo tỉnh Long An cùng hàng trăm nhà đầu tư, doanh nghiệp trên cả nước.
TP.HCM là hạt nhân thúc đẩy kinh tế cả vùng phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vui mừng cho biết thời gian qua chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
“TP.HCM với vai trò là hạt nhân của vùng, kết nối hợp tác với các địa phương phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội để phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và các mối quan hệ đối ngoại” - ông Mãi nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị. |
Cũng theo ông Mãi, chương trình hợp tác TP.HCM và các địa phương có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả tốt, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực như đầu tư bất động sản, công nghiệp xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa-du lịch, y tế, giáo dục...
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi, có các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh. Từ đó, các doanh nghiệp đã tìm kiếm được cơ hội và lợi ích khi đầu tư tại TP.HCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp.
Thị trường tiêu thụ của TP.HCM có được nguồn cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn và ổn định.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía nam (TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang) đã có sự phối hợp tốt, giúp nền kinh tế có sự tăng trưởng mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực.
Cụ thể như phối hợp, giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch ngành, lĩnh vực trong vùng; Kết nối công tác bảo vệ tài nguyên,môi trường; Thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu vùng; Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vùng; Xây dựng hệ thống kết nối thông tin, dữ liệu vùng.
Đáng chú ý, các địa phương đang phối hợp triển khai các tuyến đường giao thông trọng điểm như vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.HCM-Mộc Bài (Tây Ninh), quốc lộ 22, quốc lộ 1A, cầu Cát Lái…
Hợp tác có trọng điểm, phát huy lợi thế của từng địa phương
Trong thời gian tới, TP.HCM và các địa phương trong vùng Đông Nam bộ sẽ phối hợp mở rộng hợp tác, tập trung vào bảy lĩnh vực trọng tâm.
Gồm công tác quy hoạch, cơ chế điều phối phát triển vùng; kết nối cung cầu, xúc tiến đầu tư thương mại; kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ; lĩnh vực môi trường, giáo dục y tế, phát triển nguồn nhân lực; lĩnh vực khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
TP.HCM và các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ đã ký kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội. |
Trong đó, lĩnh vực kết nối giao thông, hạ tầng công nghiệp và dịch vụ được đặc biệt chú trọng. Các địa phương sẽ hợp tác đầu tư xây dựng các tuyến vành đai, quốc lộ, cao tốc (vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, đường sắt đô thị kết nối TP.HCM với Bình Dương và Đồng Nai, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu…
Bên cạnh đó là phát triển chuỗi công nghiệp đô thị Mộc Bài - TPHCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên á. Xây dựng đề án hình thành vành đai công nghiệp đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang, vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến đường cao tốc vùng.
Ông Phan Văn Mãi mong muốn các tỉnh và các doanh nghiệp trong quá trình liên kết phát triển phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và của TP.HCM. Từ đó, phát huy tốt nhất lợi thế từng địa phương và của vùng. "Việc hợp tác cần có trọng tâm, trọng điểm" - ông Mãi nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị này, nhiều doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến chia sẻ về một số vướng mắc khó khăn trong quá trình hoạt động. Đặc biệt, các doanh nghiệp đều quan tâm đến cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối vùng.
Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ, cơ sở giao thông kết nối vùng hiện nay chưa đáp ứng được với tốc độ phát triển của các địa phương. Điều này phần nào hạn chế tốc độ phát triển của từng địa phương nói riêng và cả vùng Đông Nam bộ nói chung.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ đã ký kết hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh đến năm 2025.
Bình Dương: Đẩy mạnh xây dựng các tuyến đường kết nối vùng
Bình Dương đang khẩn trương xây dựng chương trình hành động theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. Bình Dương mong muốn phối hợp các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ thống nhất định hướng quy hoạch địa bàn giáp ranh để kết nối vùng.Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mong muốn sớm ban hành thể chế vùng, hội đồng vùng, ủy ban vùng. |
Bình Dương cũng là địa phương nằm ở trung tâm với các tuyến đường huyết mạch mang tính liên kết vùng đi qua. Chính vì thế, Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án này.
Đối với các đề xuất xây dựng thể chế vùng, hội đồng vùng, ủy ban vùng, Bình Dương kỳ vọng được ban hành sớm. Qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động Hội đồng vùng, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển cho vùng Đông Nam Bộ.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Tây Ninh: Hợp tác vùng đã đi vào chiều sâu
Thời gian qua các doanh nghiệp TP.HCM đã đến Tây Ninh đầu tư 42 dự án với hơn 7.100 tỉ đồng. Chương trình hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần khai thác tiềm năng lợi thế của các tỉnh, thúc đẩy sự hợp tác hỗ trợ nhau.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. |
Sự hỗ trợ của TP.HCM góp phần rất lớn trong việc tạo cho các tỉnh vượt qua những khó khăn, ngày càng đưa sự phối hợp liên kết vùng đi vào chiều sâu, đạt được những kết quả toàn diện, vững chắc.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh
Bình Phước: Kết nối tạo sự phát triển mạnh mẽ
Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương. Từ đó, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP.HCM đến với các địa phương.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước phát biểu tại hội nghị. |
Trong thời gian qua công tác phối hợp giữa tỉnh Bình Phước và TP.HCM đã được thực hiện rất tốt, tạo điều kiện cho Bình Phước phát triển mạnh mẽ. Đến nay Bình Phước có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP.HCM, với số vốn đăng ký gần 20.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn có hai siêu thị Coop Mart tại TP Đồng Xoài và huyện Đồng Phú; 71 cửa hàng tiện ích Bách Hóa Xanh trên 11 huyện, thị, TP của Bình Phước, đã và đang phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.
Đồng Nai: Cùng hợp tác vì sự phát triển của cả vùng
Sau thời gian hợp tác phát triển kinh tế-xã hội với TP.HCM, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, do đặc thù của địa phương có số lượng người nhập cư đông, nên ngoài việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển thì cũng gặp rất không ít khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai. |
Thời gian qua, các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ đã đóng góp rất lớn về GDP, ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động... Tuy vậy, vị thế của vùng Đông Nam Bộ trong nền kinh tế đang có nguy cơ sụt giảm do thiếu kết nối vùng, các tuyến đường vành đai và tuyến đường cao tốc còn ít, triển khai chậm...
Do đó, với phương châm hợp tác “cả vùng cùng phát triển”, thời gian tới các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế của cả vùng.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.