TP.HCM lo phá sản kế hoạch bán trú

TP.HCM đề ra chỉ tiêu cho năm học 2015-2016 có 80% học sinh (HS) tiểu học và 35% HS THCS được học hai buổi/ngày. Đến năm 2020, tỉ lệ này sẽ đạt 100% với tiểu học và 65% với THCS. Nhưng hiện nay, tại nhiều quận, huyện, số HS được học hai buổi/ngày còn rất thấp. Có nơi còn dự báo sẽ vỡ kế hoạch khi lượng HS mỗi năm càng tăng cao.

Dân mở lớp bán trú “vệ tinh

Cứ kết thúc buổi học sáng, gần 30 HS Trường Tiểu học An Hội, quận Gò Vấp lại được một nhóm người tập hợp lại và dẫn đi bộ vào lớp bán trú Thần Đồng (nằm trong hẻm đối diện với trường). Hiện nơi đây nhận hơn 78 HS đang học chính khóa tại các trường tiểu học trên địa bàn như An Hội, Lương Thế Vinh… Các em cất đồ đạc, rửa tay chân sạch sẽ rồi ngồi ở phòng lớn nghỉ ngơi chờ đầy đủ các bạn khác đến để bắt đầu giờ ăn trưa. Sau đó, các em ngủ và khi dậy sẽ được các cô hướng dẫn học bài hoặc luyện chữ.

Đây là lớp bán trú được người dân mở ra để đáp ứng nhu cầu cho con em học bán trú của phụ huynh khi trường học quá tải. Lớp này có bốn giáo viên và hai bảo mẫu, chủ yếu nhận HS từ lớp 1 đến lớp 5. Mức phí mỗi HS khoảng 900.000 đồng/tháng (tiền ăn và học).

Cách lớp này chỉ vài mét là nhóm bán trú Bình Minh đã hoạt động từ 10 năm nay với ba giáo viên, mức phí tương tự lớp Thần Đồng. Theo bảng hiệu được treo trước cửa, nhóm lớp này nhận HS bán trú và dạy kèm từ lớp 1 đến lớp 5; nhận kèm Anh văn chuẩn bị vào lớp 6 và đưa đón HS theo yêu cầu của phụ huynh. Hiện nhóm nhận giữ 64 HS.

Học sinh từ nhiều trường tiểu học ở quận Gò Vấp được đón về nhóm lớp bán trú Thần Đồng sau giờ học chính khóa. Ảnh: PHẠM ANH

Trò chuyện với chúng tôi, chị LTL có con học tại Trường Tiểu học An Hội cho hay vì nhà chị cách xa trường hơn 5 km, vợ chồng chị đều làm công nhân nên không có thời gian đưa đón con giữa ngày được. Lúc trước chị cho con đi xe buýt về nhà ông bà rồi chiều chị ghé đón nhưng sau thấy phiền quá, nên chị phải tìm chỗ gửi con bên ngoài.

“Dù không an tâm lắm nhưng con có chỗ nghỉ trưa là được rồi, chiều còn được luyện chữ và học thêm nữa. Năm nào phụ huynh cũng nối đuôi dài dằng dặc xin học bán trú trong trường thì biết khi nào mới được” - chị L. cho biết.

Được biết quận Gò Vấp hiện nay có sáu nhóm trẻ bán trú tự phát với gần 600 HS, tập trung chủ yếu ở các phường 6, 12, 13, 14...

Đó cũng là thực tế tại quận Tân Phú khi có hơn 500 HS đang theo học tại các lớp bán trú ngoài nhà trường do một số trường tư thục, cơ sở ngoài giờ có điều kiện mở lớp. Như Trường Tiểu học - THCS Hồng Ngọc (phường Tân Thới Hóa) sau hơn hai năm mở lớp nay đã có 163 HS theo học.

Cứ 11 giờ trưa, trường cho xe vòng qua các trường tiểu học Phan Chu Trinh, Huỳnh Văn Chính, Tô Vĩnh Diện… để đón HS về Trường Hồng Ngọc ăn trưa, nghỉ ngơi và học buổi chiều. 

Bà Trần Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Hồng Ngọc, cho hay vì nhu cầu của phụ huynh rất nhiều nên trường có tổ chức xe đưa đón tận nơi các em học. Về mức học phí, HS từ lớp 1 đến lớp 3 đóng 1,57 triệu đồng/tháng/HS, lớp 4 và 5 đóng 1,67 triệu đồng/tháng/HS (tính cả tiền xe đưa đón).

Vừa xây trường vừa lo tăng HS

Những lớp bán trú tự phát gia tăng do các trường công lập trên địa bàn luôn áp lực về số lượng HS. Quận Tân Phú nhiều năm nay luôn có tỉ lệ HS học hai buổi/ngày và bán trú đứng thấp nhất TP. Cụ thể, hiện toàn quận có hơn 75.000 HS từ mầm non đến THCS nhưng chỉ có 23% HS tiểu học được học hai buổi và ở THCS tỉ lệ này cũng chỉ 10,3%. Năm học này quận đưa thêm năm trường vào sử dụng, nâng tổng số trường công và ngoài công lập lên 86 trường nhưng chỉ đáp ứng đủ chỗ học cho các em.

Theo ông Tạ Tân - Trưởng phòng GD&ĐT quận, với số lượng HS như hiện nay, quận phải có 1.200 phòng học nữa mới đáp ứng được nhu cầu bán trú cho tất cả HS.

“Hầu như năm nào quận cũng vừa xây trường vừa lo tăng HS. Nếu mỗi năm quận chỉ tăng đều thêm 7.200 HS vào lớp 1 như hiện nay thì đến năm 2020, quận cố gắng lắm cũng chỉ giải quyết được 35% HS hai buổi/ngày” - ông Tân bày tỏ.

Ông Tân cho biết quận đang nỗ lực triển khai 25 dự án với hơn 600 phòng học nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt bằng. Các lớp bán trú “vệ tinh” trong quận hiện đang hoạt động khá tốt, đảm bảo các điều kiện về vật chất, đội ngũ, đáp ứng được nhu cầu phụ huynh và gánh được áp lực cho trường công. Vì vậy, ông Tân cũng kiến nghị TP nên có quy định, văn bản hướng dẫn cụ thể, tạo cơ chế pháp lý để các cơ sở này hoạt động và thuận lợi trong kiểm tra, giám sát hơn.

Tương tự, tại quận Gò Vấp, năm nào cũng đưa vào sử dụng hàng trăm phòng học mới nhưng vẫn luôn phải canh cánh nỗi lo khi số lượng HS ngày một tăng lên. Đáng nói là còn hai phường chưa có trường tiểu học công lập là phường 9 và 12 nên gây áp lực cho các phường lân cận. Như Trường Tiểu học An Hội có đến 88 lớp với hơn 4.100 HS đang theo học, sĩ số luôn ở mức 45-50 HS/lớp. Vì thế trường cố gắng lắm chỉ giải quyết được 23 lớp bán trú với hơn 1.100 HS.

Tạo điều kiện cho các cơ sở giữ trẻ ngoài giờ

Trong điều kiện áp lực trường lớp, việc xã hội hóa để giải quyết chỗ học hai buổi/ngày cho HS là cần thiết nhưng phải trên cơ sở pháp lý, tuy nhiên thực tế chưa có hướng dẫn nào về vấn đề này. Sắp tới, Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP sẽ làm việc với Sở GD&ĐT TP.HCM để bàn giải pháp cụ thể về mô hình “bán trú vệ tinh”. Trước mắt, các quận, huyện cần rà soát, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đủ điều kiện mở lớp, đồng thời thường xuyên giám sát, nắm tình hình và hướng dẫn chuyên môn để đảm bảo an toàn mọi mặt cho HS.

THI THỊ TUYẾT NHUNG, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM

Năm học 2015-2016, toàn TP hiện có hơn 69% HS tiểu học được học hai buổi/ngày, ở THCS tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều. Quận Tân Phú có 23% HS tiểu học và 10% ở THCS được học hai buổi/ngày; tỉ lệ này ở quận Tân Bình lần lượt là 64% và hơn 20%, quận Gò Vấp là 60% và hơn 50%…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới