Theo đó, hiện nay quận Tân Phú có 86 trường công và ngoài công lập từ mầm non đến THCS và 117 nhóm lớp với 75.495 HS. Trong đó, chỉ có bậc mầm non được bán trú 100%, còn ở tiểu học chỉ có 23% HS được học bán trú và hai buổi và ở THCS tỉ lệ học hai buổi cũng chỉ 10,3%.
Theo ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận, hầu như năm nào trường lớp cũng tăng, như năm nay tăng thêm năm trường công lập nhưng vẫn không đáp ứng được đủ chỗ học theo chuẩn quy định. Với số lượng HS như hiện nay, quận phải cần 1.200 phòng học nữa mới đáp ứng được bán trú cho tất cả HS. Chưa kể trong đó có một số công trình đang chuẩn bị xây dựng nhưng vướng vào các dự án khác chưa di dời khiến việc xây dựng chậm tiến độ.
Chính thực tế này, ông Tân cho hay một số cơ sở bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ đã mở các lớp bán trú “vệ tinh” để đáp ứng nhu cầu cho phụ huynh. Hiện có hơn 1.500 HS học hai buổi nhưng bán trú tại các cơ sở này, có xe đưa đón, được ăn uống và học tập như trường công. Nhiều trường cũng tận dụng hết các phòng chức năng để làm chỗ học cho các em. Như Trường Tiểu học Võ Thị Sáu trước đây cũng có bếp ăn bán trú nhưng vì áp lực tăng HS nên trường buộc phải bỏ bếp ăn này và chuyển sang suất ăn công nghiệp.
Giờ ăn của một lớp bán trú "vệ tinh" tại trường tiểu học - THCS Hồng Ngọc, những lớp này khá phổ biến tại quận Tân Phú hiện nay
“Nếu mỗi năm quận chỉ tăng đều thêm 7.200 HS lớp 1 như hiện nay thì quận cố gắng lắm cho đến năm 2020 cũng chỉ giải quyết được cao nhất là 35% học hai buổi/ngày cho HS nhưng thực tế rất khó vì tốc độ tăng dân số ngày càng cao hơn dự tính” - ông Tân bày tỏ.
Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Phúc, Phó Chủ tịch quận Tân Phú, thẳng thắn: “Đây là vấn đề căng thẳng của quận, năm nào cũng vừa xây trường vừa chạy theo tốc độ tăng HS. Thực ra, thời gian qua, quận luôn ưu tiên phần lớn ngân sách để đầu tư cho giáo dục. Hiện quận đã có thêm 25 công trình trường học đang và sẽ xây dựng với 628 phòng học để đáp ứng chỗ học cho con em. Nhưng để đến năm 2020 đạt mức độ 100% HS tiểu học được học hai buổi là rất khó”.