Đáng chú ý là cầu Chánh Hưng nối quận 5 và quận 8 hướng về đại lộ Nguyễn Văn Linh đang được nâng cấp, sửa chữa để giảm ùn tắc giao thông. Cạnh đó, cầu Đồng Nai nối TP.HCM và tỉnh Đồng Nai cũng được rào chắn lại để thi công sửa chữa vì có dấu hiệu xuống cấp.
Hơn 4 tỉ đồng sửa cầu Chánh Hưng
Hiện giao thông khu vực phía Nam được kết nối với trung tâm TP.HCM qua nhiều cầu, một trong những tuyến quan trọng là trục cầu Nguyễn Tri Phương - cầu Chánh Hưng - Phạm Hùng nối từ quận 5 qua quận 8 - huyện Bình Chánh và thông ra đại lộ Nguyễn Văn Linh về miền Tây.
Khu vực này luôn xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Do đó, trước Tết nguyên đán 2019, cơ quan chức năng đã hoàn thành việc mở rộng cầu Nguyễn Tri Phương để giải quyết một phần bài toán giao thông khu vực này.
Tuy nhiên, để giải quyết tốt hơn vấn đề ách tắc giao thông tại đây thì phải nói đến dự án nâng cấp, sửa chữa cầu Chánh Hưng và mở rộng đường Phạm Hùng (quận 8).
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 4, Sở GTVT TP.HCM (Khu 4), thông tin: “Vừa qua, chúng tôi đã bắt đầu thi công bóc thảm nhựa, làm mới khe co giãn… cho cầu Chánh Hưng. Việc thi công sửa, làm mới khe co giãn cầu Chánh Hưng theo tiến độ trước đây là hoàn thành trong tháng 4 nhưng do vướng hai dịp lễ (giỗ tổ Hùng Vương và dịp 30-4, 1-5) nên công việc bị đình trệ”.
Mặt khác, do lưu lượng khu vực này luôn cao nên các công nhân chỉ có thể thi công vào ban đêm (từ 12 giờ đêm đến gần sáng) để đảm bảo giao thông khu vực. Đây cũng là một trong những lý do khiến việc sửa cầu chưa được hoàn thành.
“Chúng tôi đã có văn bản xin gia hạn công việc với Sở GTVT, Khu 4 cam kết trong 10 ngày tới sẽ thi công làm mới khe co giãn, thay mới phần phân cách hai chiều xe là hoàn thành việc sửa chữa cầu Chánh Hưng. Chi phí cho công tác sửa cầu này là hơn 4,2 tỉ đồng” - một cán bộ thuộc phòng Hạ tầng duy tu Khu 4 cho biết.
Nói thêm về dự án mở rộng đường Phạm Hùng, con đường nối thông cầu Chánh Hưng (phía quận 8), ông Nguyễn Xuân Vinh cho hay hiện dự án đang bị ách tắc vì vướng hàng cây xanh và mảng cây xanh cũng vừa được chuyển từ khu về Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng TP) nên khu đang rà soát lại dự án để có các bước chuẩn bị tiếp theo.
“Về việc mở rộng đường Phạm Hùng, Khu 4 đang rà soát để báo cáo lại cơ quan chức năng nhưng cơ bản sẽ mở rộng đường quan trọng này thêm trong khoảng 1-2 m nữa” - ông Vinh nói.
Cầu Đồng Nai cũ đang được TP.HCM nâng cấp, sửa chữa. Ảnh: PV
Sửa cầu huyết mạch Đồng Nai
Về khu vực phía Đông TP.HCM, cầu Đồng Nai được coi là cây cầu huyết mạch nối TP.HCM đi các tỉnh, thành trọng điểm về du lịch như Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang,… “Hiện cầu Đồng Nai cũ đã xuống cấp, chúng tôi đã rào chắn một phần mặt cầu (hướng TP.HCM đi Đồng Nai) để tiến hành sửa chữa” - ông Huỳnh Duy Linh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai (đơn vị quản lý dự án BOT và tuyến hai đầu cầu), cho biết.
Theo đó, các hạng mục sửa chữa cây cầu quan trọng này bao gồm: Sửa chữa trụ T2 bị nứt, vỡ bê tông tại khu vực trụ mũ, cân chỉnh các gối cầu bị nghiêng lệch, thay khe co giãn, sửa chữa các vị trí cầu bị hư hỏng, bong bật.
Việc thi công làm lại cầu thời gian qua cũng gây ùn tắc khu vực này, nhất là dịp lễ 30-4 vừa qua, người dân đổ từ TP.HCM đi các tỉnh phía Bắc gây ùn ứ nghiêm trọng.
Theo kế hoạch, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai cho biết dự kiến tháng 6 việc sửa chữa sẽ hoàn thành. “Trước đây dự kiến là như vậy, tuy nhiên do một số yếu tố thì có thể qua tháng 7 hoặc có thể đến giữa tháng 7 công tác này mới hoàn tất. Chúng tôi đang thúc đẩy công việc một cách nhanh nhất có thể” - ông Linh thông tin thêm.
Cầu Đồng Nai cũ trên quốc lộ 1 được xây dựng từ năm 1964 kết nối TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh phía Bắc có mật độ phương tiện thuộc loại lớn nhất nước. Sau hàng chục năm đưa vào khai thác, cầu xuống cấp nghiêm trọng, sau đó được sửa chữa vào năm 2009. Để giảm tải cho cầu Đồng Nai cũ, cầu Đồng Nai mới nằm song song (hướng Bắc-Nam) cũng được xây dựng hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2014 theo hình thức BOT.
Một số cầu đang được TP.HCM sửa chữa Cầu Kênh Tẻ (nối quận 4 với quận 7) được bắt đầu mở rộng từ ngày 15-5-2018. Cầu hiện hữu rộng 15,1 m, trong đó 13,5 m dành cho ô tô và xe máy lưu thông, hai lề dành cho người đi bộ. Sau mở rộng, chiều rộng toàn bộ mặt cắt ngang của cầu sẽ được nâng lên thành 16,5 m. Tổng mức đầu tư của công trình này gần 90 tỉ đồng. Kế hoạch trước đó cầu sẽ hoàn tất việc mở rộng trong tháng 7-2019. Cầu Chữ Y (nối quận 5 với quận 8) được thi công mở rộng vào cuối tháng 6-2018 với kinh phí hơn 186 tỉ đồng và dự kiến hoàn thiện sau 12 tháng thi công (tức tháng 6-2019). Theo đó, cầu được mở rộng cả ba nhánh, từ 9 m lên thành 12 m. “Trước đây, các dự án do Khu 1 làm. Hiện công tác quản lý, điều hành, triển khai tiếp dự án mở rộng các cầu trên mới được chuyển giao về Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông” - ông Trịnh Lương Phương, Phó Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1, nói. |