Theo ông Dũng, việc tổ chức bữa ăn bán trú xuất phát từ nhu cầu thực tế của phụ huynh học sinh và không phải là chức năng chính của trường học. Chính vì vậy, kinh phí tổ chức thực hiện theo hình thức thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh, đảm bảo nguyên tắc thu hộ chi hộ, tức thu bao nhiêu chi hết bấy nhiêu.
Các trường phải đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh đúng với mức đã thu theo thỏa thuận.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tham khảo bộ thực đơn chuẩn và các quy định liên quan để đảm bảo dinh dưỡng học đường theo độ tuổi và chất lượng dinh dưỡng theo quy định của cơ quan chuyên môn.
Với những cơ sở giáo dục tổ chức bữa ăn bán trú theo hình thức suất ăn công nghiệp, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất về ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn có giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh lựa chọn và giám sát đơn vị cung cấp suất ăn đảm bảo về an toàn thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng cho học sinh.
Ông Dũng cũng lưu ý về thu chi trong tổ chức bữa ăn bán trú. Ngoài các cơ quan chức năng, phòng GD&ĐT các quận, huyện, Sở GD&ĐT sẽ có các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để xử lý nghiêm những cơ sở giáo dục thực hiện sai quy định. Theo quy định, mức thu bán trú phải sử dụng phục vụ cho học sinh và nghiêm cấm các trường nhận tiền hoa hồng từ việc tổ chức bữa ăn bán trú dưới mọi hình thức.
Trước đó, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng có văn bản nghiêm cấm trường học ký hợp đồng với các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo quy định về an toàn thực phẩm, không có đầy đủ giấy chứng nhận theo quy định.
Sau vụ ngộ độc thực phẩm diễn ra tại Trường ischool Nha Trang, vấn đề an toàn của bữa ăn bán trú lại được ngành GD&ĐT TP tiếp tục được quan tâm và đặt lên hàng đầu.