Sáng 8-12, Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị chuyên môn giáo dục trung học năm học 2022-2023.
Bắt đầu từ năm học này, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện ở lớp 10. Ngoài học tám môn và hoạt động bắt buộc, HS còn học các môn lựa chọn và cụm chuyên đề học tập.
“Đừng để các trường tự bơi!”
Tại hội nghị, ông Lê Công Triệu, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, quận 4 nêu vấn đề các trường quan tâm khi HS khối 10 có nguyện vọng chuyển đổi môn sẽ được giải quyết ra sao. Dù trước đó đã có hướng dẫn, nếu thay đổi, các em phải tự bổ sung kiến thức môn học mới, tuy nhiên các trường mong có hướng dẫn chi tiết để thực hiện sao cho đúng.
Học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn trong một giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
“Tôi mong Sở GD&ĐT sớm có văn bản hướng dẫn khi HS chuyển đổi môn học sẽ thực hiện ra sao, đừng để các trường tự bơi, khổ lắm! Chúng tôi làm nhưng không có văn bản pháp lý, rất khó thực hiện” - ông Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, quận 3 bày tỏ.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết trường đề nghị Sở có văn bản pháp lý để giải quyết chuyển đổi môn học, cụm chuyên đề nhưng rất khó. “Tôi xin nhắc lại Sở GD&ĐT không thể hướng dẫn một văn bản vượt quá hướng dẫn về các vấn đề chuyên môn. Bộ GD&ĐT đã ghi rất rõ thẩm quyền giải quyết thay đổi môn lựa chọn thuộc về hiệu trưởng” - ông Tân nói.
Cũng theo ông Tân, HS có thể chuyển đổi giữa kỳ nhưng nếu như vậy, các em sẽ phải làm các bài kiểm tra thường xuyên của môn học mới theo quy định. Thời điểm thuận lợi nhất để hiệu trưởng quyết định cho việc chuyển đổi môn là hết học kỳ.
“Việc chuyển đổi môn đến cuối năm học cũng có thể giải quyết nhưng càng trễ, người học sẽ gặp bất lợi ở các kỳ thi vì phải bổ sung những kiến thức đã thiếu hụt” - ông Tân bày tỏ.
Do đó, theo Trưởng phòng Giáo dục trung học, để hạn chế thấp nhất việc HS xin thay đổi nguyện vọng, việc nhà trường tư vấn lựa chọn môn rất quan trọng, đặc biệt vào đầu năm học.
Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
“Giáo viên tiếp nhận HS mới xin đổi môn cần dành thời gian hỗ trợ để các em không bị đuối khi tiếp nhận chương trình. Mặt khác, bản thân các em phải tự học, tự bồi dưỡng kiến thức. Nếu trường có điều kiện thì có thể tổ chức các buổi học để bù đắp những kiến thức còn thiếu hụt. Tuy nhiên việc thực hiện phải trên tinh thần công bằng, khách quan, đúng quy định” - ông Tân nhấn mạnh.
Hiểu đúng việc dạy 35% giờ học trực tuyến
Tại hội nghị, Trưởng phòng giáo dục Trung học cũng đề cập đến vấn đề một số trường hiểu chưa đúng hoặc còn lúng túng trong việc thực hiện dạy học trực tuyến với tỉ lệ 35%.
Ông Tân cho biết, xuất phát từ đề án chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT, từ nay đến năm 2025, các trường trung học sẽ dành 10% chương trình để giảng dạy trên internet.
TP.HCM có đặc thù riêng, sự tiếp cận với công nghệ của giáo viên, học sinh khá nhanh nên Sở GD&ĐT TP.HCM đã nâng tỉ lệ giảng dạy trên internet lên 35% ở bậc trung học. Nội dung này là lộ trình thực hiện đến năm 2025 chứ không phải tại thời điểm này.
“Một số đơn vị cho rằng 35% nội dung chương trình được triển khai dưới hình thức trực tuyến là có 30 tiết/tuần, như vậy sẽ tính tỷ lệ 35% dạy trên internet. Cách hiểu này không đúng. Tỉ lệ 35% dạy học trực tuyến có nghĩa nội dung của chương trình được chuyển tải thông qua hệ thống internet. Điều này không có nghĩa cắt xén cơ học số giờ đang dạy học trực tiếp trên lớp để chuyển qua hoàn toàn" - ông Tân chia sẻ thêm.
Theo ông Tân, các trường có thể đưa nội dung của chương trình lên hệ thống quản lý học tập. Hệ thống đó có thể là LMS hoặc là một hệ thống khác nhưng phải thoả mãn tiêu chuẩn của quy định chuyển đổi số. Các giáo viên vẫn lên lớp giảng dạy bình thường nhưng dành ít nhất 35% khối lượng bài giảng giao qua LMS để cho học sinh tự học.
Sở GD&ĐT cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT phải căn cứ theo quy chế của Bộ GD&ĐT. Trong quy chế của Bộ GD&ĐT, chỉ chấp nhận đặc cách cho những học sinh bị khuyết tật ở dạng nặng, đặc biệt nặng. Còn các trường hợp khác vẫn phải dự thi đầy đủ.
Mỗi lần họp với Bộ GD&ĐT liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phòng khảo thí và kiểm định chất lượng thường xuyên đề xuất bổ sung trường hợp học sinh học hoà nhập được đặc cách vào quy chế. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho các em, giúp các em có thể cầm bằng tốt nghiệp phổ thông để vào đời. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng chỉ nói xem xét, chưa có trả lời, hay thay đổi trong quy chế. Hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng có hướng mở đối với những trường hợp này, sau khi tốt nghiệp có thể nhận một tờ giấy chứng nhận hoàn thành chương trình lớp 12.
Nhiều trường thắc mắc vì sao kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh hoà nhập được đặc cách trong khi thi tốt nghiệp THPT lại không. Bởi vì với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Bộ GD&ĐT đã giao cho các địa phương thực hiện. Vì thế, Sở cố gắng đảm bảo tốt nhất quyền lợi của các em.
Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ GD&ĐT về vấn đề này cho đến khi nào Bộ đồng ý.
Đại diện Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT TP.HCM