TP.HCM: Nhiều bất cập về PCCC tại nhà cao tầng, khu công nghiệp

(PLO)- Công tác PCCC tại nhà cao tầng, khu công nghiệp thực tế còn tồn tại không ít bất cập hiện đang được cơ quan chức năng TP.HCM đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp tháo gỡ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-12, Ban chuyên đề Công an TP.HCM tổ chức chương trình Tọa đàm PCCC nhà cao tầng, khu công nghiệp.

Còn tồn tại nhiều bất cập

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07), Công an TP.HCM, có 649 cơ sở, công trình chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động gồm các nhóm công trình như chung cư; cơ sở công nghiệp như Xưởng, kho; cơ sở lưu trú như khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà trọ, căn hộ dịch vụ; cơ sở làm việc như văn phòng, trụ sở làm việc…

nhieu-bat-cap-ve-pccc-tai-nha-cao-tang-khu-cong-nghiep-2.jpg
Ban Chuyên đề Công an TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm PCCC nhà cao tầng, khu công nghiệp, chiều 7-12. Ảnh: NT

Trong số này, tỉ lệ công trình chưa nghiệm thu PCCC đã đưa vào hoạt động cao nhất là nhóm karaoke, phòng thu âm: 40 cơ sở, chiếm tỷ lệ 8,52; thấp nhất là cơ sở từ hai chức năng trở lên như nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà hỗn hợp, nhà đa năng: 6 cơ sở chiếm tỷ lệ 0,92%...

Đó là chưa kể 170 cơ sở, công trình đã được nghiệm thu PCCC nhưng khi hoạt động có cải tạo, thay đổi công năng mà phần này chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng... tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ.

Đại tá, PGS-TS Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (C07, Bộ Công an) thông tin: Hiện cả nước có khoảng hơn 329 khu công nghiệp, 6 khu chế xuất, 4 khu công nghệ cao và 415 Cụm công nghiệp; có khoảng 112.783 cơ sở sản xuất, kho hàng thuộc diện quản lý về PCCC tại khu công nghiệp, khu dân cư; đối với nhà cao tầng, có khoảng 1.333 nhà cao tầng (từ 10 tầng trở lên).

nhieu-bat-cap-ve-pccc-tai-nha-cao-tang-khu-cong-nghiep.jpg
Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH trình bày tham luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: NT

Qua phân tích, thống kê cho thấy các vi phạm, tồn tại về PCCC đối với dạng công trình công nghiệp và nhà cao tầng chủ yếu tập trung vào bố trí mặt bằng; khoảng cách PCCC; về điều kiện ngăn cháy; lối thoát nạn; phương tiện PCCC...

Tính đến ngày 23-5-2023, toàn quốc có 1.853 dự án, công trình xây dựng mới có khó khăn vướng mắc trong quá trình thẩm duyệt về PCCC nên chưa được cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC; có 554 dự án, công trình có khó khăn vướng mắc trong quá trình nghiệm thu về PCCC nên chưa được cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu PCCC.

“Các nhà công nghiệp có các vi phạm như mái che được nối dài, nếu xảy ra sự cố thì giảm thoát khói, dẫn đến cháy lan… tạo thành khoang cháy. Giải pháp là tháo dỡ nhưng nhiều đơn vị chưa giải quyết được” – đại tá Khương nói và cho biết Cục C07 tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc.

Ông Khương cho biết có 38.140/1.182.722 (chiếm 3,22%) cơ sở hiện hữu đã đưa vào sử dụng còn tồn tại, vi phạm về PCCC khó có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC ở thời điểm đưa vào hoạt động. Phần lớn những khó khăn vướng mắc về PCCC tập trung vào loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, cơ sở lưu trú, cơ sở sản xuất công nghiệp...

Công an đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ

Theo Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng PC07, TP.HCM còn tồn tại 1.174 cơ sở thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND (Nghị quyết 23) của HĐND TP phố quy định về xử lý các cơ sở trên địa bàn không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC năm 2001. Trong đó, có 13 cơ sở là kho chứa và công trình chế biến sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm cháy, nổ ở khu dân cư, nơi đông người.

nhieu-bat-cap-ve-pccc-tai-nha-cao-tang-khu-cong-nghiep-7.jpg
Đại tá Huỳnh Quang Tâm phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NT

Sau 5 năm tổ chức triển khai Nghị quyết 23, nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt nhưng chỉ mới có 401 cơ sở (chiếm 34,2%) đã tổ chức thực hiện các giải pháp. Trong đó đối tượng thuộc diện thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC mới chỉ thực hiện được 15,7% (106/681 cơ sở).

Số liệu nêu trên cho thấy, mặc dù đã có hướng mở theo Nghị quyết của HĐND TP điều chỉnh, tạo điều kiện. Tuy nhiên, trong một thời gian dài để giải quyết, tháo gỡ cho những cơ sở tồn tại do lịch sử để lại còn nhiều hạn chế.

nhieu-bat-cap-ve-pccc-tai-nha-cao-tang-khu-cong-nghiep-9.jpg
Thượng tá Lê Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP.HCM phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: NT

Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ chỉ là người thuê mặt bằng hoạt động tại các công trình hiện trước đây đã được thẩm duyệt nghiệm thu về PCCC. Để phù hợp với yêu cầu hoạt động thì cơ sở phải cải tạo, sửa chữa.

Tuy nhiên, theo quy định, DN phải thực hiện việc thẩm duyệt, nghiệm thu lại theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Điều này rất khó thực hiện vì kinh phí lớn hoặc khó tìm được phương án khả thi.

Mặt khác, khi thực hiện thủ tục thẩm duyệt lại đối với công trình hoặc một bộ phận hạng mục công trình sẽ áp dụng các quy định tiêu chuẩn hiện hành có yêu cầu cao hơn thời điểm cơ sở đưa công trình vào hoạt động trước đây nên dẫn đến tình trạng cơ sở khó đáp ứng hoặc không thể đáp ứng được đầy đủ các quy định.

Theo PC07, thời gian qua, các doanh nghiệp, cơ sở vừa phải trải qua khoảng thời gian ngừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Nhiều cơ sở lâm vào tình trạng kiệt quệ, hoạt động cầm chừng do cơ sở vật chất xuống cấp, hư hỏng, thiếu hụt nhân sự, kinh phí trả tiền thuê mặt bằng lớn, các đối tác cắt giảm sản lượng, hợp đồng....do đó kinh phí đầu tư hoạt động trở lại rất lớn (trong đó có kinh phí đầu tư cho công tác PCCC), cộng với việc tình hình cho vay tài chính hiện nay cao là trở ngại cho sự phục hồi kinh tế” – ông Tâm nêu.

Với tinh thần hỗ trợ, đồng hành cùng cá nhân, doanh nghiệp, Công an TP.HCM thời gian qua đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan công tác PCCC.

Công an TP đã tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, hỗ trợ chủ đầu tư, đơn vị thiết kế nắm và áp dụng vào hồ sơ thiết kế công trình và đã cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC cho 339 công trình tồn tại trong đó có 62 công trình nhà kho xưởng.

Phòng PC07 Công an TP cho biết đầu năm 2023, trên địa bàn TP có khoảng 629 công trình xây mới, cải tạo thiết kế chưa đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC để cấp giấy thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Phòng PC07 đã hướng dẫn chủ đầu tư, đơn vị thiết kế. Đến ngày 15-7-2023, đã có 259 công trình khắc phục xong các tồn tại và đã được nghiệm thu an toàn PCCC.

Ngoài ra, Phòng PC07 đã hướng dẫn cho 568 cơ sở không đảm báo an toàn PCCC khắc phục các tồn tại. Kết quả, có 59 cơ sở đã khắc phục và phục hồi hoạt động (chiếm tỷ lệ 10,38%).

Công an TP cũng quán triệt tinh thần đồng hành cùng người dân, DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC nhưng kiên quyết không hợp thức hóa sai phạm nhằm kìm giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm